Con trai của cố Tổng thống Libya được trả tự do sau thời gian dài bị bắt cóc

Quốc tế - Ngày đăng : 06:11, 14/12/2015

Hannibal Gaddafi, con trai của cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi, đã được tìm thấy sau khi bị bắt cóc và giam giữ tại Lebanon trong một thời gian dài.
Sau khi được thả tự do, Hannibal Gaddafi đã xuất hiện trong một đoạn video được phát trên kênh truyền hình al-Jadeed TV vào tối hôm thứ 6 vừa qua (11.12).
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình Hannibal cho biết, sức khỏe của ông hoàn toàn ổn định, rất vui vẻ và thoải mái. Tuy nhiên, nhiều người không tin đó là sự thật bởi trên gương mặt của ông xuất hiện nhiều vết thương và đôi mắt bầm tím do bị bạo hành.
Theo một quan chức cấp cao của Lybia, cảnh sát đã phát hiện và giải cứu Hannibal Gaddafi tại một thành phố ở phía đông bắc của tỉnh Baalbek, nơi mà các phiến quân Hồi giáo dòng Shia đang chiếm đóng. Sau khi được giải cứu, Hannibal đã được đưa đến thành phố Beirut.
Trước khi bị bắt cóc, Hannibal Gaddafi đã khá nổi tiếng trên thế giới vì một loạt các hành động "đáng xấu hổ". Vào năm 2008, Hannibal đã bị bắt vì cáo buộc đánh đập hai người phục vụ phòng tại một khách sạn sang trọng ở Geneva (Thụy Sĩ). Sự việc này đã làm dấy lên một tranh cãi ngoại giao kéo dài trong nhiều tháng giữa chính quyền Libya và nước sở tại.
Đến năm 2005, một tòa án tại Pháp đã kết án Hannibal vì tội tấn công một phụ nữ đang mang thai tại một khách sạn ở Paris. Rất may là Hannibal chỉ bị phạt 4 tháng án tù treo và khoản tiền phạt tương đối lớn.
Sau sự kiện Hannibal Gaddafi được phát hiện và giải cứu thành công khiến nhiều người Libya, Iran và Lebanon tin rằng, một thủ lĩnh của phiến quân nổi dậy dòng Hồi giáo Shia có tên Al-Sadr bị bắt cóc từ năm 1978 có thể vẫn còn sống sót và hiện đang bị giam trong một nhà tù Libya. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người cho rằng vị thủ lĩnh Hồi giáo này đã bị thiệt mạng. Nếu còn sống thì tuổi thọ của Al-Sadr trong hiện tại đã rất cao, lên đến 87 tuổi.
Được biết, Al-Sadr là người sáng lập một nhóm chính trị và quân nổi dậy Shia. Ông đã lãnh đạo phiến quân này tham gia vào cuộc nội chiến Lebanon kéo dài từ năm 1975. Al-Sadr là một trong những người thủ lĩnh tiên phong của phong trào Hồi giáo dòng Shia, một trong những lực lượng chính trị gây đau đầu cho các nhà lãnh đạo ở vùng Trung Đông.
Hầu hết những người đi theo Al-Sadr đều tin rằng, chính cố Tổng thống Muammar Gaddafi đã ra lệnh bắt giữ và giết chết al-Sadr trong một vụ tranh chấp giữa Libya và nhóm phiến quân nổi dậy Lebanon.
Trước đó, vào thời điểm chính quyền Gaddafi sắp sụp đổ, nhiều tổ chức đã đứng ra đàm phán yêu cầu cố Tổng thống Libya giải phóng Al-Sadr. Cũng tại thời điểm trên, chính quyền Iran, các tổ chức truyền thông và báo chí tại địa phương đã không ngừng kêu gọi quân nổi dậy ở Libya chú ý điều tra tung tích của Al-Sadr. Mọi người đều hi vọng, vị thủ lĩnh này có thể trở về với gia đình sau nhiều năm mất tích.
Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Muammar Gaddafi thiệt mạng bởi một cuộc không kích vào năm 2011 thì số phận của Al-Sadr cho đến hiện tại vấn là một dấu hỏi to lớn với nhiều nhà hoạt động chính trị trên thế giới.
Nhân Văn - Đời sống & Pháp luật

Một Thế Giới