Israel âm thầm tìm cách chống lại hệ thống phòng không của Nga

Quốc tế - Ngày đăng : 06:19, 06/12/2015

Israel đã bí mật thử nghiệm cách đánh bại một hệ thống phòng không tiên tiến mà Nga triển khai ở Trung Đông, được đánh giá là sẽ hạn chế khả năng tấn công của Israel nhằm vào Syria hay Iran, một nguồn tin quân sự và ngoại giao cho biết. 

Theo các phương tiện truyền thông địa phương, hệ thống phòng không chống máy bay S-300 của Nga, được bán cho Cộng hòa Síp cách đây 18 năm, hiện đang được triển khai trên bán đảo Crete của Hy Lạp. Hệ thống đã được kích hoạt trong cuộc tập trận chung giữa quân đội Hy Lạp và không quân Israel vào tháng 4 và 5.2015.

Kế hoạch sử dụng S-300 trong cuộc diễn tập cho phép máy bay chiến đấu của Israel kiểm tra cách thức hoạt động của hệ thống, thu thập dữ liệu thông qua radar. Từ đó giúp không quân Israel hóa giải khả năng theo dõi và sức mạnh của S-300.

Một nguồn tin quốc phòng trong khu vực cho biết, việc Athen dùng hệ thống phòng không của Nga trong cuộc diễn tập chung với Israel bắt nguồn từ yêu cầu của Mỹ, đồng minh chính của Jerusalem. Tuy nhiên, hiện không rõ Israel có chia sẻ những dữ liệu thu thập được với đồng minh của mình hay không. 
“Một phần của cuộc diễn tập liên quan đến việc tăng cường khả năng chống lại hệ thống phòng không của máy bay chiến đấu Israel”, nguồn tin cung cấp.

Quân đội Hy Lạp và Israel từ chối xác nhận hay phủ nhận trực tiếp việc sử dụng hệ thống S-300 trong cuộc tập trận được tổ chức ở Địa Trung Hải vào cuối tháng 4, đầu tháng 5.2015 hay những cuộc diễn tập tương tự trong năm 2012 và 2010.

Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Hy Lạp tuyên bố: “Cho đến thời điểm hiện tại, hệ thống S-300 chưa hề hoạt động”. Ông khẳng định chính sách chung của Athens không cho phép bất kỳ quốc gia nào kiểm tra khả năng phòng thủ của đất nước.

S-300 được triển khai lần đầu tiên vào năm 1979, thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, được dùng để tiêu diệt nhiều loại máy bay và tên lửa đạn đạo của đối phương trong bán kính 300km. Israel đã tỏ ra lo ngại khi Moscow cung cấp hệ thống phòng không này cho Iran.

Ngoài ra, Ai Cập, quốc gia có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Jerusalem, cũng mua một phiên bản cải tiến từ S-300 để trang bị cho lực lượng vũ trang. Israel còn lo lắng về tuyên bố của Nga trong tháng 11.2015, rằng sẽ triển khai S-300 hay S-400 tại Syria, nhằm phản ứng với việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga.

Hàn Giang (theo Reuters


Một Thế Giới