Bắt Tòng 'Thiên Mã', một đại gia thủy sản ở miền Tây

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:36, 01/04/2016

<p> Ngày 31.3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46, Bộ Công an) phối hợp với Công an TP.Cần Thơ đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt, khám xét nơi làm việc và nơi ở của ông Phan Bá Tòng (hay còn gọi là Tòng “Thiên Mã”). <br></p>

Ông Tòng là Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Mã (trụ sở ở số 75/35 Trần Phú, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Cùng bị bắt với ông là bà Trần Thị Diễm (46 tuổi, kế toán trưởng Công ty Thiên Mã) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Tòng và bà Diễm đã được cán bộ C46 dẫn giải về Hà Nội.

Theo thông tin ban đầu, số tiền bị chiếm đoạt trong vụ án này lên đến 700 tỉ đồng. Hai người này bị bắt tại TP.HCM, sau đó các cán bộ của C46 đã xuống Cần Thơ khám xét nhà riêng của ông Tòng và bà Diễm. Công an đã thu giữ nhiều tài liệu thể hiện việc góp vốn, mua bán, chứng từ chi, chứng từ vay ngân hàng và nhiều hồ sơ khác liên quan đến vụ án.

Vỡ nợ hàng trăm tỉ đồng

Trong tổng số nợ của Thiên Mã, có nợ của 5 ngân hàng khoảng trên 500 tỉ đồng, trong đó có nợ Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Hậu Giang, cộng thêm nợ tiền mua cá của dân khoảng 50 tỉ đồng và nợ một số cá nhân, công ty khác… Trong khi đó, vốn điều lệ của Thiên Mã chỉ có 70 tỉ đồng.

Hồi tháng 11.2012, TAND quận Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) từng xử và tuyên buộc ông Tòng phải bàn giao 3 căn nhà (có tổng trị giá 11,2 tỉ đồng) và trả thêm 3 tỉ đồng tiền lãi cho Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Hồng Phát (trước mang tên là Nam Việt). Trước đó, vào cuối năm 2010, ông Tòng và vợ là Trần Thị Kim Yến, đã nhận 11 tỉ đồng tiền vay với lãi suất 3,9%/tháng từ Công ty Hồng Phát, và thế chấp bằng 3 căn nhà kể trên…

Thiên Mã thực ra đã mất dần khả năng chi trả từ năm 2008. Hiện nay, công ty này cũng còn nợ một số tiền thuê đất tại khu công nghiệp Trà Nóc để đầu tư 3 nhà máy chế biến.

Thiên Mã hoạt động từ năm 2005, và cũng nhanh chóng nổi lên như một doanh nghiệp thành đạt trong phong trào phát triển nhà máy chế biến thủy sản rầm rộ thời bấy giờ. Thời hưng thịnh, Thiên Mã có 3 nhà máy chế biến với hơn 3.500 công nhân, công suất chế biến các nhà máy đạt 300 tấn/ngày và kim ngạch xuất khẩu cá tra có năm đạt hơn 50 triệu USD. Thiên Mã còn có 12 trang trại với tổng diện tích khoảng 100ha…

Chính ông Tòng từng cầu cứu các chủ nợ, đề nghị cho khoanh nợ… đồng thời kêu gọi Công ty Mua bán nợ (Bộ Tài chính) và các nhà đầu tư nhảy vào giải cứu, tái cấu trúc doanh nghiệp…

Theo một chuyên gia thủy sản, Thiên Mã thực tế đã không còn khả năng tài chính và đã “yếu” từ khoảng năm 2008. Nhưng từ khoảng năm 2008 đến nay, Thiên Mã vẫn đều đặn mua cá, với nhiều chính sách thông thoáng để cố hoạt động.

Ông Phan Bá Tòng - Giám đốc Công ty Thiên Mã còn trẻ, chỉ khoảng 44 tuổi. Ông có dáng người thấp đậm, tính tình cũng khá bình dân và xuề xòa. Ông cũng không hay chơi trội như những đại gia khác mà chỉ thích nhậu, nghe đàn hát cho vui tai.

Nhưng người ngoài thoạt nhìn ông, chẳng ai ngỡ đó là vị đại gia vì hình dáng ông bình thường, thậm chí giống nông dân, lại hay nói tục… Ông từng sở hữu siêu xe Hummer H2, biểu số rất đẹp 95H - 3333, nhập từ Mỹ về.

Ông Nguyễn Văn An - người nuôi cá ở phường Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ, kể lại: “Cá bị đốm đỏ, công ty này cũng thông cảm và mua hết. Một số cá bị ngộp chết, họ cũng không từ chối. Nói chung là mua rất dễ với giá từ bằng đến cao hơn các công ty khác đôi chút”.

Tuy nhiên, ông An cho biết, bù lại thì người bán cũng phải thông cảm với Thiên Mã bằng cách cho công ty này trả… góp. Như Thiên Mã thiếu tiền mua cá, thì hàng tuần vào thứ ba và thứ sáu - mà phải sau 17 giờ 30, những người bán cá mới nhận được tiền “góp”.

Cứ thiếu khoảng 3 tỉ đồng, thì mỗi lần góp như vậy, người bán được nhận 100 triệu đồng, hoặc 50 triệu, thậm chí chỉ… 10 triệu đồng! Do vậy, cũng kể từ năm 2008, Thiên Mã đã được mệnh danh là “công ty trả góp”.

Theo đó, người bán cá dần dà cũng ngán bán cho công ty này. Và thời gian gần đây, hễ nghe Thiên Mã đến hỏi mua cá, thì ai cũng đòi phải thanh toán bằng tiền mặt. Dĩ nhiên, không có tiền để mua cá duy trì hoạt động, Thiên Mã càng lún dần và buộc phải tuyên bố vỡ nợ.

Giám đốc một công ty chế biến thủy sản ở Cần Thơ nói có thể nguyên nhân chính của vụ vỡ nợ lần này là từ một khoản vay rất lớn trước đây của ông Tòng. Khi đó, vì hăng hái mở rộng đầu tư, ông Tòng đã không ngần ngại vay khoảng 1.000 lượng vàng từ một nguồn bí mật.

Khi đó, giá vàng chỉ trên 20 triệu đồng/lượng. Nhưng hiện giờ, giá vàng tăng, cộng thêm tiền lãi hằng tháng… nên Thiên Mã đuối dần và kiệt thực sự là phải. Tiền lãi từ xuất khẩu cá tra những năm gần đây không đạt như mong muốn khi áp lực cạnh tranh quá lớn, trong khi đó, chi phí thì cứ đều đều. Ngoài ra, ông Tòng lấy một phần vốn ấy để đầu tư vào bất động sản, và thị trường này đã đóng băng suốt mấy năm qua…

Cũng chính vì đuối thực sự, nên hồi cuối năm 2010, ông Tòng phải cắn răng vay 11 tỉ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Hồng Phát với lãi suất “cắt cổ” là 3,9% (gọi danh nghĩa là “phí mất cơ hội kinh doanh) - khá cao so với lãi suất ngân hàng vào thời điểm đó.

Và đến thời điểm hiện nay, số tiền lãi và tiền phạt do trễ hạn mà ông Tòng đã đóng cho công ty này đã lên đến gần 2,6 tỉ đồng. “Dù biết đây là hình thức cho vay nặng lãi, nhưng trong thời điểm gặp khó khăn về kinh tế, tôi phải vay và chấp nhận trả tiền lãi cao”, ông Tòng từng nói.

Giờ đây, xoay xở không được, cả 3 căn nhà của ông - trong đó có căn biệt thự số 75/35 Trần Phú mà trước giờ dùng làm trụ sở chính của công ty, cũng phải bị siết…

Nguyễn Hồ

Nhà máy của Thiên Mã tại khu Công nghiệp Trà Nóc đã đóng cửa