Chứng khoán Trung Quốc tụt dốc nhanh, căng thẳng thanh khoản

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 05:50, 09/07/2015

Các tập đoàn Goldman Sachs, Morgan Stanley (Mỹ), tỉ phú George Soros bị ám chỉ đứng sau sự tụt dốc không phanh của chứng khoán Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc hôm 8.7 tiếp tục tụt dốc bất chấp nhà chức trách nỗ lực khống chế cuộc khủng hoảng đã khiến hàng ngàn tỉ USD “bốc hơi” trong thời gian qua.

Căng thẳng thanh khoản

Theo đài CNN, chỉ số Shanghai Composite giảm 8% khi thị trường mở cửa trước khi dừng lại ở mức giảm 5,9% vào cuối ngày. Đa số cổ phiếu niêm yết tại sàn chứng khoán Thượng Hải rớt giá 10% - mức giảm tối đa cho phép trước khi cổ phiếu bị ngưng giao dịch. Bớt bi đát hơn, chỉ số Shenzhen Composite và chỉ số Hang Sheng (Hồng Kông) cũng lần lượt giảm 2,5% và 5,8%.

Ngoài ra, thêm 500 công ty thông báo tạm ngưng giao dịch cổ phiếu ngay trong ngày. Trước đó, theo giới truyền thông địa phương, đã có ít nhất 1.430 trong số 2.776 công tycó niêm yết trên sàn chứng khoán ở Trung Quốc thực hiện bước đi tương tự.

Kể từ ngày 12.6, chỉ số Shanghai Composite giảm 32% trong lúc cổ phiếu tại sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến bị mất 41% giá trị. Tập đoàn đầu tư Bespoke Investment Group (Mỹ) ước tính đã có 3.250 tỉ USD bị bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán nước này cho đến giờ.

“Tâm trạng hoảng loạn đang hiện hữu trên thị trường bên cạnh sự gia tăng của tình trạng bán tống bán tháo phi lý một lượng lớn cổ phiếu. Điều này dẫn đến sự căng thẳng thanh khoản của thị trường chứng khoán” - Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) lần đầu tiên thừa nhận trong tuyên bố mới nhất hôm 8.7.
chung khoan Trung Quoc

Đài BBC nhận định càng can thiệp càng khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc hỗn loạn

Ảnh: Reuters 

Bắc Kinh cho đến giờ đã áp dụng mọi biện pháp có thể để cứu thị trường chứng khoán, từ việc Ngân hàng Trung ương (PBoC) cắt giảm lãi suất, các công ty môi giới cam kết mua hàng tỉ USD cổ phiếu cho đến những đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) bị tạm ngưng.

Mới nhất, PBoC hôm 8.7 cam kết cung cấp đầy đủ thanh khoản cho Công ty Tài chính Chứng khoán Trung Quốc thông qua nhiều kênh khác nhau. Ngoài ra, các công ty bảo hiểm được phép đầu tư tối đa 10% tài sản vào các cổ phiếu mạnh so với mức 5% trước đây. Tuy nhiên, việc thị trường tiếp tục tụt dốc phần nào cho thấy các nhà đầu tư xem ra không mấy tin tưởng vào những nỗ lực nói trên.

Định giá quá cao

Một trong những giả thuyết được nói đến nhiều về lý do “bong bóng chứng khoán” bị vỡ ở Trung Quốc là kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2009 trong lúc giá cổ phiếu đã bị thổi phồng quá mức so với tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận thực sự của doanh nghiệp - hiện thấp hơn so với 1 năm trước.

“Thị trường chứng khoán Trung Quốc bị tách rời khỏi thực trạng của nền kinh tế đất nước và bị định giá quá cao” - ông Patrick Chovanec, một chuyên gia tại Công ty Quản lý tài sản Silvercrest Asset Management (Mỹ), nhận định.

Bên cạnh đó, trên mạng xã hội Trung Quốc cũng xuất hiện những cáo buộc rằng “chủ nghĩa tư bản quốc tếđang tấn công” nước này. Theo báo The Washington Post, một số nhận định cho rằng các tập đoàn tài chính Goldman Sachs, Morgan Stanley (đều của Mỹ) hoặc tỉ phú Mỹ George Soros phải chịu trách nhiệm cho sự tụt dốc không phanh của thị trường chứng khoán Trung Quốc. CSRC cũng cho biết sẽ điều tra khả năng đã xảy ra “hành động thao túng thị trường” dù không nói rõ đối tượng cụ thể.

Tuy nhiên, báo Financial News của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã đưa ra một số gợi ý. Trong bài viết cuối tuần rồi, tờ báo này chỉ trích việc Morgan Stanley nhận định chỉ số Shanghai Composite có thể đã chạm đỉnh vào đầu tháng 6.

Theo tờ báo, “đánh giá đầy ác ý” này hoặc là một hành động bất cẩn hoặc ẩn chứa “những động cơ bên trong”. Bài viết còn cáo buộc một số ngân hàng khác cũng đưa ra những bình luận bất lợi về cổ phiếu Trung Quốc để tìm cách trục lợi và phá hoại những cải cách kinh tế của nước này.

Tương tự, 5 giáo sư thuộc các trường đại học hàng đầu Trung Quốc công khai lá thư cáo buộc những thế lực thị trường xấu xa đang khai thác những điểm yếu trong hệ thống tài chính đất nước để kiếm lợi. Họ so sánh tình hình hiện nay với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, thời điểm tỉ phú George Soros và những người khác đầu cơ vào đồng tiền các nước Đông Á để kiếm lời.

Hoàng Phương/ Người Lao Động

Một Thế Giới