Chuyên gia ngành vàng: Chênh lệch 2% là xuất hiện vàng lậu

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 07:54, 22/04/2015

Nguyên tắc chung trên thị trường vàng thế giới là khi nào có chênh lệch khoảng 2% giữa giá vàng trong nước và quốc tế là có hiện tượng nhập lậu vàng.

Hiện nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không còn cho sản xuất vàng miếng nữa và nhu cầu vàng miếng cũng đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, con số mới đây mà tổ chức thế giới đưa ra về nhu cầu tiêu thụ vàng ở Việt Nam (VN) là 69,1 tấn vàng trong năm 2014. Trong đó gồm 12,7 tấn vàng nữ trang và khoảng 56,4 tấn vàng đầu tư. Vậy nhu cầu vàng thực sự ở VN đang tăng hay đang giảm?

Ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia ngành vàng quốc tế, cho rằng VN không còn sản xuất vàng miếng và cũng không nhập khẩu chính vàng nguyên liệu, song điều đó không có nghĩa là nhu cầu vàng trong dân có thể đột ngột giảm đi 70%-80% mà cùng lắm chỉ giảm 8%-10%.

70 tấn vàng: Con số tương đối chính xác

Hội đồng Vàng Thế giới cho biết nhu cầu về vàng của VN trong năm qua chỉ giảm 8% so với cùng kỳ. Và mới đây, một số báo dẫn nguồn nhu cầu tiêu thụ vàng ước tính ở VN năm qua chiếm tới 69,1 tấn vàng. Ông bình luận gì từ con số này?

Ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia ngành vàng quốc tế: Số liệu về nhu cầu tiêu thụ vàng VN không phải do Hội đồng Vàng Thế giới mà của một công ty uy tín chuyên nghiên cứu về vàng trên thế giới là GFMS Reuters đưa ra. Hội đồng Vàng Thế giới chỉ mua thông tin từ GFMS để tổng hợp lại.

Chenh lech 2% la xuat hien vang lau

Vậy họ dựa vào đâu để ước tính được con số này, thưa ông?

Từ lâu nay Singapore là nơi trung chuyển đầu mối vàng cho các nước trong khu vực. Chẳng hạn, hằng năm trung bình họ trung chuyển 500 tấn. Từ đây sẽ có số liệu vàng đi đến các nước lân cận VN như Thái Lan, Campuchia, Lào... là bao nhiêu. Các quốc gia này đến nay vẫn cho phép doanh nghiệp nhập vàng tự do, không ngăn cấm gì cả.

Trong năm 2014, VN không còn sản xuất vàng miếng và cũng không nhập khẩu chính vàng nguyên liệu nhưng điều đó không có nghĩa là nhu cầu vàng trong dân có thể đột ngột giảm đi 70%-80% mà cùng lắm chỉ giảm 8%-10% mà thôi. Họ cũng có thể dựa vào số liệu các nước lân cận, giả sử như Thái Lan hằng năm chỉ nhập khẩu khoảng 40 tấn vàng nhưng năm 2014 số lượng vàng nhập khẩu tăng đột biến lên đến 70 tấn.

Vậy câu hỏi là 30 tấn vàng kia đi đâu. Họ đã đến VN để khảo sát thị trường vào tháng 12 hằng năm cũng như điều tra mức độ tiêu thụ vàng ước tính của các nước lân cận như Campuchia, Thái Lan, Lào, Trung Quốc… dựa trên mức tăng dân số nước đó, GDP... Vì thế con số của họ đưa ra tuy chỉ là ước lượng nhưng cũng tương đối chính xác.

Ở nước ngoài không có vàng lậu

Ở các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia… theo ông có tình trạng nhập lậu vàng hay không? Vì sao?

Tôi cho rằng ở các nước kể trên không có nạn nhập lậu vàng. Lý do chính là vì các nước này cho phép nhập khẩu vàng không hạn chế. Doanh nghiệp tự cân đối ngoại tệ cũng như không cần xin quota nhập khẩu vàng và thuế nhập khẩu vàng ở các nước này gần như bằng 0. Tuy nhiên, chỉ có một điều kiện là ngân hàng trung ương không bán USD cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng mà họ phải tự cân đối nguồn ngoại tệ để nhập khẩu. Nhà nước chỉ thu phí khoảng 100-200 USD/kg vàng nhập khẩu. Riêng ở Trung Quốc, hiện nay NHNN vẫn kiểm soát việc nhập khẩu vàng nhưng họ cũng đang tự do hóa dần dần việc này.

Nhập lậu ở quy mô lớn có lẽ hiện nay chỉ có Ấn Độ. Cách đây hai năm, chính phủ Ấn Độ muốn hạn chế việc nhập khẩu vàng nên đã tăng thuế nhập khẩu vàng lên đến 10%. Với mức thuế suất cao, số lượng vàng nhập khẩu chính thức vào Ấn Độ đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, cũng chính vì thế tình trạng nhập lậu vàng vào Ấn Độ trong hai năm qua trở nên rất sôi động.

Theo ông, khi nào xuất hiện tình trạng nhập lậu vàng và khi nhập lậu vàng như vậy chúng ta mất gì?

Nguyên tắc chung trên thị trường vàng thế giới là khi nào có chênh lệch khoảng 2% giữa giá vàng trong nước và quốc tế là có hiện tượng nhập lậu vàng. Ví dụ như việc tăng thuế nhập khẩu vàng lên 10% ở Ấn Độ trong khi thuế nhập khẩu vàng ở Thái Lan bằng 0.

Vì thế trong năm 2013 và 2014, hàng trăm tấn vàng nữ trang từ Thái Lan được xuất sang Ấn Độ theo tinh thần Hiệp ước tự do mậu dịch giữa hai bên. Và Ấn Độ lại thất thu về thuế nhập khẩu. Trong trường hợp của VN, nếu chúng ta cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu bằng con đường chính thức thì chúng ta thu được một khoản thuế nhập khẩu không nhỏ. Chẳng hạn, nếu thuế suất nhập khẩu 1%-2% thì với tổng giá trị vàng nhập khẩu hằng năm khoảng 2,7 tỉ USD, chúng ta sẽ thu về được 30-50 triệu USD/năm, tương đương 600-1.000 tỉ đồng.

Xin cám ơn ông.

Yên Trang (Pháp luật TP.HCM)

Tăng cung để hạn chế nhập lậu vàng

Để hạn chế việc buôn lậu vàng thì ngoài các biện pháp hành chính, chúng ta cần phải tăng nguồn cung bằng cách cho phép nhập khẩu nguyên liệu chính ngạch. Hoặc chúng ta cũng có thể huy động vàng từ trong dân để trước mắt phục vụ cho hoạt động chế tác vàng nữ trang và xa hơn nữa là đầu tư vào các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.

Gần đây, thủ tướng Ấn Độ đã kêu gọi người dân và các tổ chức tôn giáo cho chính phủ vay vàng để có thể tự cân đối nhu cầu vàng trong nước không thông qua nhập khẩu vàng. Đồng thời cũng để phát triển kinh tế quốc gia, vì hiện nay tổng lượng vàng tại Ấn được ước tính lên đến 20.000 tấn, trong đó các đền chùa giữ khoảng 3.000 tấn, còn lại 17.000 tấn nằm trong dân. Trước mắt, lượng vàng huy động được sẽ giúp việc bình quân cán cân thanh toán quốc gia đang bị thâm hụt nghiêm trọng. Chính phủ Ấn dự định sẽ phát hành trái phiếu bằng vàng hoặc cho lưu hành một loại đồng tiền vàng có giá trị tương đương so với vàng huy động được. Với số vàng này, chính phủ sẽ đem ra thị trường tài chính quốc tế thế chấp vay vốn đầu tư vào nền kinh tế quốc gia. Sau này khi chính phủ đã thu hồi vốn thì sẽ chuộc lại số vàng thế chấp để trả lại cho dân. Nghĩa là số vàng tích lũy của dân vẫn được bảo toàn mà khi cho nhà nước vay còn được hưởng tiền lãi.

Ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia ngành vàng quốc tế

Một Thế Giới