Hụt hẫng với gói tín dụng 30.000 tỉ
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 17:12, 10/03/2016
Chỉ còn 3 tháng nữa thì gói tín dụng 30.000 tỉ đồng - gói vay hỗ trợ mua nhà dành cho người có thu nhập thấp - sẽ kết thúc. Tuy nhiên, gần đây một số người vay gói tín dụng này cảm thấy hụt hẫng khi có thông báo của các ngân hàng.
Cụ thể, thông báo của ngân hàng cho biết việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước sẽ kết thúc vào ngày 1.6 tới đây. Tức là khách hàng vay từ gói tín dụng 30.000 tỉ chỉ được hưởng ưu đãi 5%/năm trong thời gian gói tín dụng này còn hiệu lực. Còn sau thời gian 1.6.2016, mức lãi suất mà người vay sẽ phải trả đối với dư nợ giải ngân sẽ do các ngân hàng quyết định.
Theo một số khách hàng, khi vay gói 30.000 tỉ, các nhân viên tư vấn thường chỉ nhấn mạnh đến mức lãi suất ưu đãi và thời hạn vay trong 15 năm. Do đó, điều này dễ khiến không ít khách hàng lầm tưởng sẽ được vay với lãi suất 5% trong suốt 15 năm.
Gói 30.000 tỉ sau 3 năm mới chỉ giải ngân được hơn một nửa
Gói hỗ trợ cho vay mua nhà 30.000 tỉ bắt đầu triển khai từ tháng 6.2013. Đến cuối năm 2015, theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tổng số tiền đã cam kết là 26.999 tỉ đồng, đạt 90%. Tuy nhiên, trên thực tế, số tiền giải ngân mới chỉ đạt 17.711 tỉ đồng, đạt 59%. Trong số đó, hộ gia đình, cá nhân vay để mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, xây và sửa chữa nhà là 13.771 tỉ đồng, còn tổ chức đã giải ngân cho 58 dự án, dư nợ là 3.940 tỉ đồng.
Hiện tại, đã có 17 ngân hàng tham gia chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 2 của Chính phủ, bao gồm Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, Bảo Việt, PVComBank, Eximbank, Saigonbank, TPbank, SHB, NamAbank, Seabank, VPbank, ACB, VIB, Vietbank, LienVietPostBank.
Trước đây, ngày 13.11.2015 Ngân hàng Nhà nước đã từng có văn bản trả lời cụ thể về quy định phần dư nợ vay được giải ngân. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Thông tư số 11/2013/TT-NHNN, việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước kết thúc khi NHNN giải ngân hết số tiền tái cấp vốn, nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (tức ngày 1.6.2013).
Vì vậy, phần dư nợ vay của khách hàng được giải ngân từ ngày 1.6.2016 trở về trước sẽ được hưởng lãi suất vay ưu đãi của chương trình, phần dư nợ được giải ngân sau ngày 1.6.2016 sẽ áp dụng lãi suất vay thông thường theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng đã ký của khách hàng và ngân hàng cho vay.
“Không nên để người dân leo cột mỡ”
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết HoREA đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề này, tuy nhiên, kiến nghị trên không được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận.
Theo ông Châu, Thông tư số 11/2013/TT-NHNN chỉ những người nghiên cứu sâu mới hiểu được bất cập của nó và phải nhìn kỹ mới thấy thời hạn giải ngân của gói tín dụng 30.000 tỉ là đến hết 36 tháng kể từ ngày thông tư này có hiệu lực.
Trước đây, HoREA đã nhiều lần đề nghị kéo dài gói tín dụng này đến hết 1.6. 2016, tức 5 năm để hỗ trợ người mua nhà. Thế nhưng, Ngân hàng Nhà nước không chấp nhận thì HoREA kiến nghị giải ngân đến khi hết gói tín dụng này thì thôi, tức còn 12.000 tỉ đồng thì cứ giải ngân đến hết và chấm dứt gói luôn. Nếu không được thì giải pháp cuối cùng là những khách hàng nào đã ký hợp đồng vay gói này và đã được giải ngân một phần thì phần còn lại cho khách hàng được giải ngân hết.
“Không nên để cho người dân hụt hẫng và leo cột mỡ được. Những người nào đã ký hợp đồng rồi, đã giải ngân một đợt rồi thì cho người ta được giải ngân đến hết hợp đồng. Người dân cày cuốc mãi mới được đi vay, khi đi vay phải có vốn đối ứng 20% giá trị hợp đồng thì người ta mới được vay 80% còn lại. Đối với những công trình sắp bàn giao thì tiến độ giải ngân sẽ nhanh hoặc những căn nhà có sẵn sẽ được giải ngân hết. Thế nhưng, các công trình còn đang trong quá trình xây xong móng, phần thô rồi hoàn thiện thì cơ hội giải ngân cho họ hết còn thấp.
Giả sử phần vay là 600 triệu, mà đến hết ngày 1.6 mà mới giải ngân được 300 triệu thôi, còn 300 triệu họ không được giải ngân theo gói này mà trả lãi cao hơn theo phương thức trả lãi thương mại bình thường. Cái khổ của người thu nhập thấp là chỗ đó”, ông Châu nói.
Ông Châu cho biết mới đây khi trao đổi với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, ông được biết quy định trên không tác động nhiều đến nhà ở xã hội do dạng nhà này sẽ thực hiện theo luật mới và người dân sẽ được giữ nguyên khi chuyển qua Ngân hàng Chính sách xã hội chủ trì cho vay. Tuy nhiên, những khách hàng vay gói 30.000 tỉ đồng để mua nhà thương mại giá dưới 1,05 tỉ đồng mới bị ảnh hưởng.
Phan Diệu