Cách nhận diện tiền giả polymer bằng tay, mắt thường
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 05:25, 30/01/2016
Để phân biệt tiền thật, tiền giả, Ngân hàng Nhà nước đã “mách nước” cách nhận diện tiền giả polymer bằng tay, mắt thường qua các cách kiểm tra.
Thời gian gần đây, trên facebook, một số cá nhân đã rao bán tiền giả với nội dung như "đổi 1 triệu tiền thật lấy 5 triệu tiền giả" hay "chỉ cần bỏ ra 500.000 đồng tiền thật mua được 3,5 triệu đồng tiền giả". Đáng chú ý, các cá nhân cam kết tiền giả mới giống tới 98% tiền thật, chỉ khác số seri. Số cá nhân này còn khẳng định, nếu nhìn bề ngoài thì rất khó phát hiện trừ khi dùng máy soi.
Ngay sau khi xuất hiện thông tin này, Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này đã có văn bản gửi công an cấp phường, xã, thị trấn hướng dẫn cách nhận biết tờ tiền thật do ngân hàng phát hành trên thị trường.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc mua, bán, tàng trữ, vận chuyển, sản xuất, lưu hành tiền giả là vi phạm pháp luật. Cụ thể, Điều 180 Bộ luật Hình sự nêu rõ nếu kinh doanh, sử dụng, lưu trữ, sản xuất… mọi loại tiền giả là hành vi vi phạm an ninh tiền tệ quốc gia. Tội danh này có thể bị phạt nhẹ nhất là ba năm và nặng nhất là tù chung thân. Ngoài ra còn bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng và tịch thu tài sản.
Với các đối tựơng trên, sau khi xuất hiện hiện tượng rao bán tiền giả trên mạng xã hội facebook, các cơ quan chức năng đã bắt tay vào điều tra, làm rõ. Qua điều tra cho thấy các đối tượng trên có dấu hiệu lừa đảo thay vì thực hiện hành vi buôn bán tiền giả.
Để xử lý dứt điểm tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với cơ quan chức năng, quản lý thị trường, công an để kiểm tra, xử lý. Trong trường hợp phát hiện có hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả dưới bất kỳ hình thức nào, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức, cá nhân thông tin kịp thời cho cơ quan công an, bộ đội biên phòng, hải quan, Ngân hàng Nhà nước nơi thuận tiện nhất để xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Mặc dù vậy, nếu người tiêu dùng không nắm rõ được các đặc điểm bảo an của tiền thật, không kiểm tra đồng tiền khi giao dịch thì vẫn có thể rủi ro nhận phải tiền giả. Để phân biệt tiền thật, tiền giả, Ngân hàng Nhà nước đã “mách nước” cách nhận diện tiền giả polymer bằng tay, mắt thường qua các cách kiểm tra.
Theo đó, người tiêu dùng có thể kiểm tra, nhận biết tiền giả thông qua 5 cách cơ bản là soi tờ bạc trước nguồn sáng, vuốt nhẹ tờ bạc (kiểm tra các yếu tố in lõm), chao nghiêng tờ bạc (kiểm tra mực đổi màu, IRIODIN, hình ẩn nổi), kiểm tra các cửa sổ trong suốt (số mệnh giá dập nổi và yếu tố hình ẩn) và dùng kính lúp, đèn cực tím (kiểm tra chữ in siêu nhỏ, các yếu tố phát quang).
Một đặc điểm khác người tiêu dùng cũng cần lưu ý, đó là chất liệu in tiền giả dễ bị bai giãn hoặc rách khi bị kéo, xé nhẹ ở cạnh tờ bạc, mực in dễ bong tróc. Để khẳng định một tờ bạc là tiền thật hay tiền giả, lấy tờ tiền thật cùng loại so sánh tổng thể và kiểm tra các yếu tố bảo an theo các bước nêu trên. Người tiêu dùng cần lưu ý phải kiểm tra nhiều yếu tố bảo an (tối thiểu 3 đến 4 yếu tố) để xác định là tiền thật hay tiền giả.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người tiêu dùng cần nắm rõ các đặc điểm bảo an của tiền thật và có thói quen kiểm tra đồng tiền mỗi khi giao dịch tiền mặt để tránh rủi ro nhận phải tiền giả.
Phan Diệu