Câu chuyện thuế thu nhập cá nhân và nguồn thu dầu mỏ
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 08:00, 19/01/2016
Tỷ lệ thu ngân sách giữa các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam đã có sự chuyển dịch đáng kể trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ và thu thuế thu nhập cá nhân.
Việc giá dầu trên thị trường thế giới suy trầm hơn một năm qua và đang chạm đáy ở thời điểm hiện tại đang ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế Việt Nam, khi nguồn thu đến từ xuất khẩu dầu mỏ gần 10% thu ngân sách hiện tại.
Nhưng nó cũng đang làm bật ra một khía cạnh khác của câu chuyện: theo ước tính đến hết năm 2016, thu ngân sách từ xuất khẩu dầu mỏ của Việt Nam sẽ chính thức bị vượt qua bởi nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân trong nước.
Sự dịch chuyển
Câu chuyện về sự chuyển dịch nguồn thu ngân sách cũng đang là câu chuyện về sự dịch chuyển trọng tâm của nền kinh tế, từ xuất khẩu tài nguyên thô sang nền kinh tế lấy tiêu dùng làm chủ đạo. Nhưng đằng sau câu chuyện dầu mỏ và thuế thu nhập cá nhân ấy cũng có không ít điều đáng để suy ngẫm.
Theo thống kê, tỷ lệ thu ngân sách giữa các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam đã có sự chuyển dịch đáng kể trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ và thu thuế thu nhập cá nhân. Với việc giá dầu ở thời điểm hiện tại dao động quay mức giá 30 USD/thùng trên thị trường thế giới đang khiến cho dự tính nguồn thu ngân sách từ lĩnh vực này giảm đáng kể.
Theo ước tính, với mức giá dưới 40 USD/thùng, Việt Nam sẽ chỉ thu được khoảng 54,5 ngàn tỷ đồng từ xuất khẩu dầu mỏ trong năm 2016, chiếm khoảng 5,4% nguồn thu ngân sách. Tỷ lệ ngày càng giảm dần của nguồn thu đến từ xuất khẩu dầu mỏ trong ngân sách quốc gia ngoài lý do giá dầu giảm sút, còn do các lĩnh vực khác của nền kinh tế đang có sự tăng tốc và chiếm tỷ trọng ngày càng gia tăng. Nếu như trong giai đoạn 2005-2006 nguồn thu đến từ xuất khẩu dầu mỏ chiếm tới 23,8% thu ngân sách, giờ đây chỉ còn trên 5% một chút.
Thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ dự kiến trong năm 2016 vì thế được dự báo sẽ bị nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân qua mặt.
Theo ước tính, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân trong năm 2016 sẽ đạt khoảng 63 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với con số 54,5 ngàn tỷ đồng đến từ xuất khẩu dầu mỏ. Việc nguồn thu từ đánh thuế thu nhập gia tăng đáng kể có thể xem là một tín hiệu vui cho nền kinh tế, khi mà thu nhập người dân và doanh nghiệp đã tăng lên nhiều đủ để vượt qua nguồn thu từ dầu mỏ vốn chiếm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế suốt nhiều năm qua.
Đối với các quốc gia đang phát triển, việc nguồn thu từ xuất khẩu tài nguyên thô bị qua mặt và chỉ còn giữ vai trò ngày càng giảm dần với nền kinh tế là một dấu hiệu cho thấy sự lớn mạnh và đa dạng về quy mô của nền kinh tế quốc gia.
Theo dự báo, sự chênh lệch về nguồn thu ngân sách giữa xuất khẩu dầu mỏ và thuế thu nhập cá nhân sẽ ngày càng gia tăng trong thời gian sắp tới, khi giá dầu vẫn chưa có dấu hiệu được vực dậy, trong khi quy mô của nền kinh tế chắc chắn sẽ còn tăng lên nhiều lần kể từ năm 2016 khi các hiệp định thương mại như TPP và các FTA có hiệu lực.
Sẽ đến lúc, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp giữ vị trí trọng yếu đối với ngân sách quốc gia. Nó đồng thời cũng là biểu hiện của một nền kinh tế quy mô và đa dạng.
Bất hợp lý từ thuế thu nhập doanh nghiệp
Đằng sau những mục tiêu ấn tượng tên, có không ít điều đáng nói.
Đầu tiên và quan trọng nhất, đó là hệ thống đánh thuế của Việt Nam đang có quá nhiều bất cập, không những phân bổ các hạng mục đánh thuế thiếu chuẩn xác mà còn nhiều lỗ hổng và dễ bỏ sót. Điển hình như thuế thu nhập doanh nghiệp.
Mới đây nhất, khi bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp đứng đầu cả nước về nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2015 được công bố, chúng ta mới thấy sự phân bổ các hạng mục thu thuế thiếu hợp lý đến mức nào.
Trong số 1.000 doanh nghiệp dẫn đầu cả nước về mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thì khối đầu tư nước ngoài (FDI) dẫn đầu với 460 doanh nghiệp, khối tư nhân nội xếp thứ hai với 311 doanh nghiệp, khối quốc doanh xếp thứ ba với 229 doanh nghiệp. Nhưng điều gây ngạc nhiên ở đây là tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp của khối FDI chỉ chiếm 37% tổng thu, khối tư nhân chỉ chiếm 18%, trong khi khối quốc doanh dẫn đầu với mức 45%.
Con số thống kê về số doanh nghiệp và tỷ lệ nộp thuế thu nhập này có nhiều điều để nói. Trước hết, nguồn thu thuế từ khối FDI là quá thấp, trong vòng 5 năm trở lại đây khối FDI luôn chiếm tới hơn 60% thị phần xuất khẩu của cả nước với mức xuất siêu kỷ lục và có doanh thu rất cao, nhưng khoản đóng góp thuế lại thấp hơn dự tính. Phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp FDI tìm cách trốn thuế, mà trường hợp của Coca-Cola Việt Nam là điển hình. Nó đang gây ra thất thoát nguồn thu nghiêm trọng, khi FDI chính là khu vực có tỷ lệ lợi nhuận cao nhất, đồng thời lại là khu vực vốn nhận được nhiều ưu đãi nhất từ Chính phủ về giảm thuế hay sử dụng đất đai.
Bảng thống kê này cũng cho thấy hai vấn đề khác. Thứ nhất là quy mô của các doanh nghiệp tư nhân trên thực tế đang nhỏ hơn đáng kể so với quy mô các doanh nghiệp FDI và khối quốc doanh. Dù có đến 311 doanh nghiệp, mức nộp thuế thu nhập của khối tư nhân chỉ bằng một nửa so với khối FDI và bằng hơn 1/3 của khối quốc doanh.
Thứ hai là quy mô của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn còn quá lớn bất chấp những đợt thoái vốn ngoài ngành và cổ phần hóa các doanh nghiệp này. Vì có quy mô lớn nên dù chỉ xếp thứ ba về số doanh nghiệp trong bảng xếp hạng 1.000, ở mức 229 doanh nghiệp, tức chỉ bằng một nửa số doanh nghiệp FDI, nhưng mức nộp thuế thu nhập của khối quốc doanh lại đứng đầu bảng, lên tới 45%. Chưa kể mức đóng góp đó đã là giảm đáng kể so với năm 2014, khi mức nộp thuế thu nhập của khối quốc doanh lên đến 65,6% của năm 2014.
Đến cách đánh thuế thu nhập cá nhân
Sự thiếu hợp lý của hệ thống thuế Việt Nam hiện nay còn nằm ở những lỗ hổng trong đánh thuế thu nhập cá nhân và hộ kinh doanh. Nếu như trước đây, thuế thu nhập cá nhân được đánh theo lũy tiến, người có thu nhập càng cao thì càng phải đóng thuế nhiều, quy định gần đây lại đang có xu hướng cào bằng, người có thu nhập cao nộp thuế theo cùng tỷ lệ phần trăm với người có thu nhập thấp hơn.
Nó không chỉ thiếu công bằng, mà còn làm giảm đi đáng kể khoản thu ngân sách từ thuế thu nhập cá nhân do người giàu đang ngày càng phải nộp thuế ít đi trong khi người thu nhập trung bình thì lại ngày càng nhiều hơn.
Điều tương tự cũng xảy ra ở quy định đánh thuế thu nhập hộ kinh doanh, khi việc tính thuế dựa trên doanh thu nhân với tỷ lệ thuế suất mới quy định đang tỏ ra thiếu hợp lý hơn nhiều so với cách tính thuế trước đó là dựa trên lợi nhuận. Cả hai quy định về thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập hộ kinh doanh mới được ban hành đều có điểm chung là cào bằng, khiến cho người giàu và những đơn vị kinh doanh có lãi lớn đang được đóng thuế ít đi, trong khi người có thu nhập trung bình và đơn vị kinh doanh có lãi thấp lại đang bị đánh thuế nặng hơn.
Về lâu dài, một hệ thống phân bổ và các quy định đánh thuế thiếu hợp lý không chỉ dẫn đến việc chênh lệch giàu nghèo trong xã hội ngày càng gia tăng, mà còn khiến cho các tiềm lực của nền kinh tế bị suy giảm nghiêm trọng.
Khi mà vấn đề miễn giảm thuế đang ngày càng được các doanh nghiệp coi là giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh hiệu quả nhất, hơn nhiều so với một biện pháp khác là giảm lãi suất vốn vay, rõ ràng một hệ thống thuế thiếu hợp lý sẽ trở thành vật cản cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong tương lai. Nhất là khi các doanh nghiệp đang quan trọng với nền kinh tế hơn bao giờ hết, khi mà thời điểm hội nhập toàn diện và sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam đã ở rất gần.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Saigongiaiphong, Phapluattp)