Ồ ạt bán tháo: Cổ phiếu ngân hàng xuống đáy?
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 05:28, 23/11/2015
Nghịch lý giá
Trái với hàng loạt các thông tin tốt mà các ngân hàng (NH) đưa ra, cổ phiếu của nhiều tổ chức tín dụng vẫn thấp. Hiện tượng giá cổ phiếu NH - một loại cổ phiếu từng được coi là “cổ phiếu vua” một thời đồng loạt rớt xuống dưới mệnh giá (10.000 đồng/cp) giờ không còn là điều hiếm lạ.
Gần đây, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) chào bán cổ phiếu của NH Phương Đông (OCB) và NHTMCP Sài Gòn (SCB) với giá dưới 5.000 đồng/cp nhưng vẫn ế.
Saigonbank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2015 với lợi nhuận 9 tháng vượt 2,5 lần so với kế hoạch đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên, cổ phiếu SGBank của NH này gần đây được chào bán trên thị trường tự do ở mức khoảng 7.000 - 8.000 đồng, thấp hơn khá nhiều so với mức 9.000 - 11.000 đồng hồi tháng 8-9.
Cổ phiếu VABank của VietABank gần đây cũng chỉ được chào mua ở mức giá 4.000 đồng/cp, thấp hơn so với mức 4.500 đồng/cp hồi đầu tháng 10 và hồi đầu tháng 8. Giá cổ phiếu VABank giảm cho dù NH này đặt kế hoạch lợi nhuận khá ấn tượng trong năm 2015 bằng 250% so với năm trước.
Cổ phiếu TPBank của NH Tiên Phong cũng chỉ được chào mua bán phổ biến ở mức 8.000 đồng cho dù NH này luôn được nhắc đến như một điển hình của tái cấu trúc thành công với tỷ lệ nợ xấu còn 0,96% và đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng gần 78% cho năm 2015.
Rất nhiều ngân hàng báo cáo kinh doanh tốt, lãi cả ngàn tỉ nhưng giá cổ phiếu mãi vẫn dưới mệnh giá. |
Trên thị trường cũng chứng kiến giá cổ phiếu nhiều ngân hàng như một nghịch lý.
Cổ phiếu Techcombank được chào mua và chào bán phổ biến ở mức 9.000-9.600 đồng bất chấp NH báo lợi nhuận trước thuế tăng 33,4% so cùng kỳ đạt hơn 1,5 ngàn tỷ đồng. Cổ phiếu NVB hiện chỉ quanh mức 7.000 đồng/cp dù kết quả kinh doanh hết quý III/2015 khả quan với nhuận trước trích lập dự phòng tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ.
Hàng loạt các NH có tiếng trên thị trường, luôn báo cáo hoạt động kinh doanh tốt nhưng giá cổ phiếu vẫn ở mức thấp. Cổ phiếu BVBank cũng được chào bán ở mức giá khoảng 5.000 đồng/cp, so với mức 7.000-8.000 đồng/cp hồi tháng 7. Cổ phiếu ABBank hiện có những chào bán tự do khoảng 4.000 – 5.000 đồng dù trước đó ổ phiếu ABBank vừa được EVN và EVN Hà Nội đã thoái vốn thành công với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Còn cổ phiếu LVB 5.700-6.000 đồng/cp…
Sẽ còn đi xuống nữa?
Không thể lên được đù đón hàng loạt tin tốt: lợi nhuận ngàn tỷ, báo cáo kinh doanh tốt, chỉ số tài chính đẹp đẽ, nợ xấu ở mức tốt hơn yêu cầu..., cổ phiếu NH giờ đang đứng trước một áp lực rất lớn: nguồn cung hàng khủng.
Một lượng cổ phiếu ngân hàng lớn đang được ồ ạt bán ra có thể nhấn chìm sâu hơn nữa các “cổ phiếu vua” xuống đáy. |
Trong vài tuần gần đây, hàng loạt các tổ chức đồng loạt đăng bán cổ phiếu NH như muốn rút chạy trước hạn chót 1/2/2016. Thông 36/2014/TT-NHNN yêu cầu các NH chốt tỷ lệ nắm giữ ở NH khác dưới 5% vốn điều lệ và không được nắm giữ cổ phần ở nhiều hơn 2 NH.
Hiện tại, Vietcombank đang sở hữu 5-8% tại MBBank, Eximbank, OCB và 4,3% SaigonBank. Eximbank nắm gần 8,8% Sacombank. Maritime Bank nắm gần 9% MBBank…
Hàng trăm triệu cổ phần NH sẽ được chính các NH bán ra trong thời gian tới để tránh tình trạng sở hữu chéo, lợi ích nhóm gây lệch lạc, méo mó tình hình tái chính cũng như hoạt động của hệ thống NH.
Bên cạnh đó, hàng loạt các DN nhà nước cũng phải thực hiện thoái vốn ngoài ngành. Nhiều DN lớn trong và ngoài sàn chứng khoán cũng đã và đang thoái vốn cổ phiếu NH.
Tổng công ty Khí Việt Nam - PVGas (GAS) vừa đăng ký thoái toàn bộ 8,23 triệu cổ phần SeABank với giá 10.167 đồng/cổ phần ngay trong quý IV/2015 nhằm thực hiện quyết định của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) nhằm tái cơ cấu PVGas.
EVN trong khi đó vẫn còn đang khoảng 40 triệu cổ phần ABBank. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng đang bán đấu giá 71,5 triệu cổ phần Maritime Bank với giá 11.700 đồng/cổ phần. Còn Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn chào bán trên 10,7 triệu cổ phần Saigonbank với giá khởi điểm 9.756 đồng/cp.
Áp lực về nguồn cung là khá lớn đối với cổ phiều NH. Đây là lý do khiến không ít NĐT lo ngại cổ phiếu ngành này “chỉ có nước đi xuống” trong thời gian tới.
Trong vài năm gần đây, nhiều cổ đông NH như gặp phải hạn lớn. Phần lớn trong số họ không được chia cổ tức trong nhiều năm. Không những thế, một số người còn mất trắng do cổ phiếu bị mua với giá 0 đồng do NH làm ăn kém hiệu quả để bị âm vốn. Trong một vài năm tới, khả năng sinh lời cao là không dễ bởi NH phải tiếp tục trích lập dự phòng để đảm bảo thực sự ổn định trở lại.
Theo H.Tú/VNN