Khó kỳ vọng lãi suất cho vay giảm
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 07:01, 29/10/2015
Lãi suất cho vay tại các ngân hàng đã giảm so với trước đây, thế nhưng mức giảm này không đáng kể. So với các nước có cùng tình trạng lạm phát thấp, lãi suất cho vay tại Việt Nam đang rất cao.
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay
Hiện nay, mặc dù lãi suất đã giảm xuống mức ngang, thậm chí thấp hơn so với trước khủng hoảng tài chính 2008, thế nhưng so với các quốc gia trong khu vực, mức lãi suất này hiện đang rất cao. Do lãi suất cao nên việc tiếp cận vốn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dù có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, song hiện vẫn có tới 30% doanh nghiệp không thể tiếp cận nguồn vốn và 30% doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận. Trong khi đó, nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ của Chính phủ đã ban hành lại chỉ đến được với khoảng 5 - 10% số doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo VCCI, một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn là do lãi suất cho vay hiện nay còn tương đối cao. Do đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể chịu đựng mức lãi suất cao. Không chỉ nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, trên thực tế, nhóm doanh nghiệp quy mô lớn cũng khó tiếp cận các khoản vay.
Thêm vào đó, thời gian tới, hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp được ký kết. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường. Thế nhưng, việc lãi suất cho vay ở Việt Nam đang cao gấp 3-4 lần so với các quốc gia ASEAN đã khiến doanh nghiệp phải cạnh tranh ở thế yếu so với doanh nghiệp các quốc gia khác.
Ở thời điểm này, lẽ ra các doanh nghiệp phải dồn sức để đầu tư, liên kết và mở rộng quy mô, thị phần...cho hội nhập nhưng lãi suất cho vay trung và dài hạn ở các ngân hàng quá cao cũng khiến các doanh nghiệp dè dặt đầu tư.
Được biết, lãi suất cho vay ở các kỳ hạn hiện đang dao động mức 8-11%/năm. Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng tung ra thị trường các gói tín dụng cho vay với lãi suất ưu đãi, thế nhưng so với năm 2014, lãi suất vẫn không giảm nhiều.
Cụ thể, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7 - 8%/năm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác khoảng 9 - 10,5%/năm đối với ngắn hạn. Đặc biệt, lãi suất từ 11 - 12,5%/năm đối với trung và dài hạn. Trong khi đó, lạm phát Việt Nam hiện quanh mốc 2%. Như vậy, lãi suất cho vay hiện nay cao hơn rất nhiều so với lạm phát. So với các nước có cùng tình trạng lạm phát thấp, lãi suất cho vay tại Việt Nam đang rất cao.
Như vậy, muốn cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại đang ngày càng “tràn” vào thị trường, Chính phủ phải có giải pháp mạnh nhằm giảm lãi suất cho vay.
Khó giảm lãi suất cho vay
Để giảm mặt bằng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước trước hết cần tiếp tục quan tâm tới vấn đề tỉ giá. Việc điều hành linh hoạt tỉ giá khiến NHNN gặp khó khăn khi thực hiện mục tiêu giảm lãi suất.
Trước câu hỏi, liệu lãi suất cho vay có thể giảm trong thời gian tới hay không ? ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM cho biết, NHNN đang trong giai đoạn cố gắng ổn định lãi suất.
“ Thời gian vừa qua, NHNN có đợt điều chỉnh tỉ giá nên sẽ tác động đến lãi suất. Ngân hàng Nhà nước vẫn đang cố gắng ổn định lãi suất, kể cả lãi suất cho vay ngắn hạn và trung dài hạn. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Thế nhưng, việc này cũng còn tùy vào mối quan hệ cung cầu vốn cuối năm. NHNN sẽ đề nghị các ngân hàng ổn định lãi suất, không tăng lãi suất, có điều kiện nên giảm lãi suất cho vay”, ông Minh cho biết.
Phan Diệu