TP.HCM có gần 1,5 triệu tài khoản chứng khoán

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 15:15, 16/10/2015

TP.HCM đã thu hút được 80 công ty chứng khoán, gần 1,5 triệu tài khoản chứng khoán với gần 20.000 tài khoản nhà đầu tư nước ngoài và khoảng 40 công ty quản lý quỹ.
Đó là nội dung được bà Đào Thị Hương Lan - Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X.
Theo bà Lan, tính đến thời điểm hiện nay, thị trường chứng khoán TP.HCM đã thu hút được nhiều định chế tài chính tham gia, đặc biệt là các định chế tài chính nước ngoài, công ty cổ phần từ các khu vực kinh tế khác nhau. Cụ thể, TP.HCM có 80 công ty chứng khoán, gần 1,5 triệu tài khoản chứng khoán với gần 20.000 tài khoản nhà đầu tư nước ngoài và khoảng 40 công ty quản lý quỹ.
Con số này đã góp phần tích cực hỗ trợ quá trình cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo cơ chế tự vay, tự trả bằng nguồn thu của ngân sách thành phố. Đến nay, thành phố đã phát hành thành công 23.850 tỉ đồng trái phiếu, thu hút sự tham gia của 34 ngân hàng thương mại, 8 công ty bảo hiểm, 4 công ty chứng khoán, 2 tổ chức tài chính và một số đối tượng khác.
Về thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP.HCM, bà Lan cho biết thị trường đã đi vào ổn định, thanh khoản được bảo đảm, lãi suất cho vay giảm dần qua các năm, nguồn vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp.
Một số chương trình đặc trưng, mang tính sáng tạo, đột phá của thành phố đã được nhân rộng ra cả nước. Đơn cử, Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, được triển khai từ tháng 7.2012 và đã mở rộng trên địa bàn 24/24 quận, huyện. Tổng số tiền ký kết ngày càng tăng qua các năm. Nếu như 2014 là 40.057 tỉ đồng cho 1.143 khách hàng thì 9 tháng đầu năm 2015 đã kết nối được 105.000 tỉ đồng cho gần 4.000 khách hàng, đạt 175% so với kế hoạch.
Tuy nhiên, bà Lan cho rằng thị trường tài chính tại TP.HCM hiện đang thuộc quyền quản lý, giám sát của các Bộ, ngành trung ương, do Trung ương định hướng phát triển. Do đó, TP.HCM không thể chủ động và tác động trực tiếp vào sự vận hành thị trường tài chính mà chỉ thực hiện công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.
Hoạt động của các định chế tài chính Nhà nước cũng chỉ còn trong điều kiện thí điểm, chưa có khung chính sách cụ thể nên vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định.
Phan Diệu
>> Kỳ 40: Nixon - Kissinger và Sihanouk với toan tính cuối đời của Mao Trạch Đông...
>> Singapore xử lý nghiêm cửa hàng điện thoại côn đồ lừa du khách Việt
>> Đã đến lúc thuê Kiatisuk thay HLV Miura!
>> Giết mèo khoe trên Facebook, trai Việt bị cảnh sát Đài Loan bắt
>> Ông bầu của Ngọc Trinh, Khắc Tiệp coi thường pháp luật hay giả vờ không biết?

Một Thế Giới