Vốn ngoại đổ mạnh vào thị trường bất động sản TP.HCM

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 11:20, 20/08/2015

Tính đến ngày 15.7, nguồn vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép vào thị trường bất động sản TP.HCM đạt gần 1,32 tỉ USD, chiếm 65% tổng vốn FDI được cấp phép. So với các địa phương khác, doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM liên tục đón nhận dòng vốn ngoại.
Bất động sản đứng thứ 3 trong thu hút vốn FDI
Theo Cục Thống kê TP.HCM, tính đến ngày 15.7, nguồn vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép trong lĩnh vực bất động sản đạt gần 1,32 tỉ USD, chiếm 65% tổng vốn FDI được cấp phép. Trong 7 tháng đầu năm 2015, TP. HCM có 4 dự án bất động sản có vốn đầu tư FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư với vốn đăng ký 1.318,4 triệu USD.
Theo báo cáo mới của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thị trường bất động sản đứng thứ 3 trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ngoài nguồn vốn đầu tư trực tiếp, thị trường bất động sản TP.HCM thu hút được không ít vốn đầu tư gián tiếp từ các quỹ đầu tư nước ngoài với các hoạt động hợp tác đầu tư với doanh nghiệp trong nước thông qua các phương thức chủ yếu là mua lại cổ phần, góp vốn đầu tư trực tiếp vào dự án, hoặc cho vay.
Đơn cử, cuối tháng 7 vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản An Gia đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư toàn diện với Quỹ đầu tư Creed Group của Nhật Bản tại TP.HCM.
Theo đó, Creed Group cam kết đầu tư 200 triệu USD vào An Gia để mua lại cổ phần của công ty, đầu tư vào dự án theo tỷ lệ 50/50. Đồng thời, Creed Group cũng cung cấp các khoản vay cho An Gia mua dự án, nhằm xây dựng những dự án nhà ở “chất lượng Nhật Bản” tại TP.HCM. Ngoài đầu tư tài chính, Quỹ Creed còn chuyển giao công nghệ phát triển dự án bất động sản, kinh nghiệm, cơ hội cho An Gia.
Von ngoai do manh vao thi truong bat dong san TP.HCM-hinh-anh-1
 An Gia Investment đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư toàn diện với Quỹ đầu tư Creed Group của Nhật Bản tại TP.HCM (Ảnh: Phan Diệu)
Đầu tháng 7, Công ty cổ phần TV-TM-DV địa ốc Hoàng Quân cũng đã ký kết hợp tác đầu tư với Quỹ đầu tư Tập đoàn Global Emerging Market (GEM) của Mỹ. GEM cam kết rót 20 triệu USD vào Hoàng Quân bằng hình thức mua cổ phiếu trên sàn trong vòng 30 tháng.
Đáng chú ý, mặc dù vốn ngoại đầu tư vào thị trường này tăng nhưng lại có sự “lệch pha” rõ nét. Trong khi các doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM liên tục đón nhận các dòng vốn ngoại thì tại Hà Nội, dòng vốn vào thị trường này vẫn vô cùng “nhỏ giọt”.
Tiếp tục thu hút vốn ngoại
Nói về lý do bất động sản ngày càng thu hút vốn ngoại, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam cho biết Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.7.2015 cho phép người nước ngoài có quyền sở hữu đa dạng đối với bất động sản cho nhiều mục đích khác nhau như cho thuê lại, thế chấp và thừa kế. Điều luật này áp dụng cho cả cá nhân và tổ chức nước ngoài như quỹ đầu tư, ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản. Đây được xem là động lực phát triển cho lĩnh vực nhà ở.
Song song đó, các công ty niêm yết có vốn sở hữu 100% của nước ngoài không thuộc lĩnh vực nhạy cảm sẽ được phép hoạt động từ ngày 1.9. Điều này sẽ chỉ giúp đẩy mạnh hoạt động thu mua bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu chiến lược kinh doanh.
“Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, tầng lớp trung ngày càng gia tăng cùng với các điều chỉnh về luật đã và đang tạo điều kiện thuận lợi và minh bạch hơn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, rõ ràng không thể phủ nhận tiềm năng kinh tế lâu dài của Việt Nam. Những yếu tố cơ bản này, cùng với chi phí bất động sản tương đối thấp và lợi nhuận cho thuê cao hiện là bước chuyển mình của Việt Nam thu hút các nhà đầu tư bất động sản quốc tế”, ông Marc nói.
thi truong bat dong san
 Các quỹ ngoại liên tiếp rót vốn vào doanh nghiệp địa ốc TP.HCM (Ảnh: Phan Diệu)
Đáng chú ý, trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định thời gian tới thị trường này sẽ tiếp tục thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư ngoại.
“Vừa rồi thị trường bất động sản chỉ đứng thứ 3 trong nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thế nhưng đứng trước biến động của thị trường ngoại tệ, thị trường chứng khoán, thị trường vàng thì bất động sản là lựa chọn có nhiều ưu điểm trong giai đoạn tiếp theo. Thị trường bất động sản sẽ còn tiếp tục hấp dẫn vốn đầu tư trong nước lẫn nước ngoài. Tuy nhiên chúng ta không nên lạc quan thái quá”, ông Châu nói.
Việc Trung Quốc vừa qua đã phá giá đồng nhân dân tệ với biên độ khá tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản. Ông Châu cho rằng việc này trước mắt sẽ có lợi cho thị trường bất động sản.
Cụ thể, chúng ta sẽ nhập nhiều nguyên, vật liệu từ Trung Quốc về với giá rẻ, giá thành giảm. Giá thành thấp kéo theo giảm giá bán cho người tiêu dùng và tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư dự án. Thế nhưng, về mặt trung hạn, dài hạn thì không có lợi bởi hàng Trung Quốc tràn ngập sẽ phá hoại nền sản xuất, kinh tế của Việt Nam, làm giảm GDP, giảm thu nhập thực tế của người dân, thất nghiệp gia tăng. Như vậy, về lâu về dài sẽ tác động tiêu cực trực tới thị trường bất động sản.
Nói về sự “lệch pha” về thu hút vốn ngoại, ông Châu cho rằng do thị trường bất động sản vùng TP.HCM có tính thị trường hơn so với các địa phương khác. Thị trường bất động sản vùng TP.HCM đang phát triển theo 3 mục tiêu rõ ràng là tính minh bạch, cạnh tranh và bền vững. Do đó, thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
Phan Diệu

Một Thế Giới