Quảng cáo tín dụng đen công khai trên cột điện, mạng xã hội
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 06:24, 21/06/2015
TP.HCM và các tỉnh lân cận gần đây liên tục xuất hiện nhiều quảng cáo cho vay vốn không cần thế chấp tài sản. Những thông báo mời chào vay vốn này được dán khắp nơi, tại nhiều địa điểm công cộng, trên cột điện, gốc cây, ven đường và cả qua tin nhắn điện thoại di động... với những lời quảng cáo cho vay tiền rất hấp dẫn.
Giải ngân trong ngày, không cần thế chấp
Từ nội dung ghi trên tờ rơi, chúng tôi liên hệ vào số điện thoại 0909261xxx, ngay lập tức, đầu dây bên kia bắt máy với giọng nói của một người đàn ông tự xưng là Dũng, chuyên cho vay tiêu dùng trong ngày. Dũng cho biết, chỉ cần có KT3 hoặc hộ khẩu là có thể vay được tiền. Nếu vay dưới 4 triệu thì người vay phải có CMND và bằng lái. Trên 4 triệu là phải có thêm hộ khẩu. Còn vay từ 7 triệu tới 40 triệu thì cần có thêm một… hóa đơn điện.
Để tạo lòng tin cho người vay, Dũng còn giới thiệu rằng số tiền mình cho vay là của Ngân hàng 100% vốn nước ngoài... nhưng lại không hề có tên tuổi ngân hàng, địa chỉ cụ thể, trừ số điện thoại.
Không để khách hàng chờ lâu, Dũng cam đoan sẽ giải ngân trong vòng 15 phút đến 2 tiếng đồng hồ để người vay có số tiền sớm nhất. Khi hỏi về lãi suất, Dũng cho biết khi gặp trực tiếp sẽ trao đổi cụ thể sau.
Không chỉ phải chịu mức lãi suất “cắt cổ”, sau khi đặt bút ký vào giấy vay, người vay sẽ phải chịu nhiều ràng buộc (Ảnh: PD) |
Tiếp tục, chúng tôi liên lạc với số thuê bao 0938555xxx. Chủ thuê bao này nói sẽ cho vay mà không cần thế chấp tài sản. Thủ tục để vay chỉ cần có hộ khẩu, CMND, hóa đơn, thẻ… Lãi suất dao động từ 1,1 – 1,8 %/ tháng. Lãi suất cao hay thấp còn phụ thuộc vào mức chứng minh thu nhập hàng tháng của người vay.
Với lãi suất này, tính ra vay tiền trên “cây cột điện” sẽ cao gấp 2 – 3 lần lãi suất vay tín dụng tại các nhà băng. Lãi suất dao động từ 1,1 – 1,8%/tháng tương đương với khoảng 22%/năm, trong khi tại các ngân hàng lãi suất hiện rơi vào mức từ 12,5 – 14%/năm.
Bên cạnh đó, hiện tượng cho công nhân, sinh viên vay tiền với lãi suất cao đã xuất hiện từ nhiều năm nay, nhưng thực sự bùng phát chỉ mấy năm gần đây. Tại các dãy nhà trọ, dòng chữ “cho vay tiêu dùng” xuất hiện nhan nhản.
Chỉ cần có thẻ sinh viên là sinh viên có thể vay được số tiền lớn như những lao động bình thường khác (Ảnh:PD) |
Không chỉ phải chịu mức lãi suất “cắt cổ”, sau khi đặt bút ký vào giấy vay, người vay sẽ phải chịu nhiều ràng buộc.
Không chỉ "tấn công" các địa điểm công cộng như trên cột điện, gốc cây, ven đường và cả qua tin nhắn điện thoại di động...tín dụng đen còn "tấn công" cả các mạng xã hội. |
Lãi mẹ đẻ lãi con
Với những lời quảng cáo vay tiền trên “cây cột điện” như “lãi suất thấp, không cần tài sản thế chấp, giải ngân nhanh” đã khiến không ít người cả tin rồi rơi vào bẫy “lãi mẹ đẻ lãi con”.
Chị Trần Thị Hồng (25 tuổi, quê Hà Tĩnh) làm công nhân tại khu công nghiệp VSIP II (Bình Dương). Năm 2012, do không có tiền để tổ chức đám cưới, chị Hồng và chồng đã quyết định vay tín chấp một chủ nợ tại huyện Dĩ An, Bình Dương. Số tiền vợ chồng chị vay hơn 20 triệu đồng với lãi suất 28%/ năm.
Hai vợ chồng dự định sẽ trả hết cả vốn lẫn lãi trong năm 2014. Tuy nhiên, dù đã đóng tiền hàng tháng để trả nợ nhưng đến nay vợ chồng chị vẫn còn nợ hơn 15 triệu đồng do gia đình chị không trả tiền đúng hạn và lãi mẹ cứ đẻ ra lãi con. Chị Hồng cho biết từ khi có thêm con nhỏ phải chi tiêu nhiều nên không biết đến bao giờ 2 vợ chồng mới trả hết số tiền trên.
Không riêng gì chị Hồng, có không ít công nhân tại khu công nghiệp VSIP II và Sóng Thần chỉ vay số tiền khoảng 4 -5 triệu. Tuy nhiên, do lãi suất cao nên tiền lãi vượt tiền gốc rồi dần dần vượt quá khả năng chi trả.
Không như chị Hồng, chị H.T.Lợi – buôn bán trái cây tại chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức cũng quyết định vay nóng “chợ đen” số tiền 150 triệu để kịp nhập hàng về làm ăn. Theo chị Lợi, số tiền chị vay có lãi suất 30 % một năm, chưa kể phí dịch vụ, hoa hồng cho “cò chợ đen”. Sau đó, do không thể trả lãi hàng tháng, chị Lợi tiếp tục tìm đến “chủ tiền” khác vay thêm tiền do đã đến thời gian đáo nợ khoản tiền đang thiếu. Thế nhưng vay nóng lãi suất cao khiến “nợ chồng nợ”. Kết quả là là chị bị đang phải rao bán nhà để trả nợ.
Chị Lợi cho biết, vay ngân hàng phải qua nhiều thủ tục rườm rà, còn đợi lấy được tiền từ ngân hàng thì chị không thể nhập tiếp đợt hàng mới..
“Nếu vay bên ngân hàng được thì tui đâu có đi vay lãi suất cao để làm gì. Những lúc cần tiền đột xuất để lấy hàng hay người nhà bệnh tật mà chờ vay được tiền của ngân hàng thì coi như xong, hàng không có mà người cũng không còn”.
Phan Diệu