Ngân hàng rục rịch tăng lãi suất tiền gửi

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 10:09, 08/06/2015

Đầu tháng 6, lãi suất đầu vào đang được nhiều ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng.
Cụ thể, ngân hàng Đông Á Bank điều chỉnh tăng lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam với mức tăng từ 0,1 – 0,4% ở các kỳ hạn ngắn. Kỳ hạn 1 tháng tăng từ 4,3% lên 4,6%, kỳ hạn 3 tháng tăng 0,1 %, từ 4,9% lên 5 %. Lãi suất huy động của kỳ hạn 6 tháng là 5,5% thay cho 5,3% như trước đó. Riêng kỳ hạn 9 tháng được điều chỉnh từ 5,6% lên mức 6%.
Bên cạnh đó, tại ngân hàng MB, lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn dưới 8 tháng được điều chỉnh tăng thêm 0,1- 0,2%. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng bằng đồng Việt Nam hiện là 4,3% thay cho 4,2%, kỳ hạn 3 tháng là 4,8% thay cho 4,6% và kỳ hạn 6 - 8 tháng là 5,2% thay cho 5% như trước.
Ngân hàng Agribank cũng đã điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn dài, cao nhất là 6,8%. Lãi suất áp dụng đối với khách hàng cá nhân gửi tiền đồng kỳ hạn 18 tháng là 6,5%, tăng 0,3%. Kỳ hạn 24 tháng cũng tăng 0,5%, lên 6,8%/năm. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi đối với các kỳ hạn khác áp dụng tại Sở Giao dịch Agribank không thay đổi.
Tại ngân hàng ACB, tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ 6 - 36 tháng tăng thêm 0,2%/năm từ ngày 25.5. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại nhà băng này là 6,7% cho kỳ hạn 36 tháng. Các kỳ hạn còn lại như 12 tháng, 24 tháng lần lượt là 6,2% và 6,5% một năm.
Trước đó, vào ngày 21.5, Eximbank cũng tăng tới 0,4%/năm với lãi suất tiết kiệm. Lãi suất cao nhất của ngân hàng này tại kỳ hạn 36 tháng ở mức 6,9%/năm. Kỳ hạn 24 tháng lãi suất hiện là 6,7%/năm, 18 tháng là 6,6%/năm.
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) mới công bố vào cuối tháng 5, nhận định lãi suất huy động của các ngân hàng có xu hướng tăng đã gây khó khăn cho huy động trái phiếu chính phủ. Nguyên nhân tăng lãi suất lần này được đánh giá là do áp lực từ việc đồng USD tăng giá cộng với sự mất cân đối lãi suất giữa huy động và cho vay.
Phan Diệu

Một Thế Giới