Gói 30.000 tỉ: Giải ngân chậm vẫn... làm khó người vay

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 07:48, 01/06/2015

Sau 2 năm triển khai, gói cho vay 30.000 tỉ mới chỉ giải ngân được hơn 7.000 tỉ đồng. Nguyên nhân được các chuyên gia kinh tế lý giải do còn nhiều “rào cản” không hợp lý xung quanh gói tín dụng này. Tiền cho vay thì đã có nhưng để đến được tay người thu nhập thấp thì lại quá khó khăn.
2 năm mới chỉ giải ngân được 7.000 tỉ
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính hết tháng 4. 2015, tổng số tiền đã cam kết là 13.078 tỉ đồng, đã giải ngân là 7.155 tỉ đồng. Trong đó, đối với hộ gia đình, cá nhân đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 16.870 hộ với số tiền là 7.999 tỉ đồng. Đối với tổ chức đã cam kết cho vay 38 dự án với số tiền là 5.079 tỉ đồng.
Bộ Xây dựng cho rằng sau hơn 2 năm triển khai số tiền được các ngân hàng cam kết cho vay là 13.078 tỉ đồng, đạt 43,3%, góp phần hỗ trợ cho khoảng 17.000 hộ được cải thiện nhà ở. Mặc dù không đạt được như kỳ vọng song tốc độ giải ngân ngày càng được cải thiện.
Lý giải nguyên nhân sau hơn 2 năm triển khai, tính đến hết tháng 4.2015 nhưng số tiền giải ngân chỉ mới đạt 43,3 % kế hoạch, Bộ xây dựng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu thứ nhất là do chính sách tín dụng hỗ trợ nhà ở là một chính sách mới, mới làm lần đầu, vì vậy không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc ban đầu.
Thứ hai là mặc dù các địa phương đã bước đầu chú ý thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ song hiện vẫn có rất ít nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán thấp hơn 15 triệu đồng/m2 để bán cho người dân. Do đó, người dân chưa thể vay vốn.
Nguyên nhân thứ ba là do đây là gói tín dụng có vay, có trả, nên mặc dù lãi suất vay có thấp hơn lãi suất thương mại, nhưng người dân cũng phải cân nhắc, tính toán khả năng trả nợ mới ký hợp đồng vay vốn.
Nguyên nhân cuối cùng là phía Ngân hàng khi cho vay cũng phải bảo đảm khả năng thu hồi nợ từ phía khách hàng là hộ gia đình cá nhân.
Quy định làm khó người vay
Mới đây (28.5), tại Tọa đàm Triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam do Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định còn nhiều “rào cản” không hợp lý xung quanh gói tín dụng này. Các chuyên gia cho rằng tiền cho vay thì đã có nhưng đến được tay người thu nhập thấp thì lại quá khó khăn.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đến nay mới giải ngân được hơn 7.000 tỉ đồng nên cơ hội cho người vay còn rất lớn. Theo ông Châu, chủ trương, chính sách chúng ta đã có nhưng việc thực thi quá chậm, trong khi người dân nghèo vẫn cứ trông chờ để được có cơ hội mua các dự án nhà ở xã hội. Không những vậy, các ngân hàng lại quá thận trọng trong việc người dân không có khả năng trả nợ.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng còn có quy định “điều kiện được vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỉ đồng để mua nhà ở thì người vay phải có thu nhập không quá 9 triệu đồng/tháng”. Thế nhưng, ở Việt Nam, ngoài thu nhập chính là lương thì người dân còn có nhiều hoạt động riêng để tăng thêm thu nhập. Nếu chỉ căn cứ theo bảng lương thì có rất nhiều người sẽ không thể vay được gói tín dụng này, trong khi thu nhập đó đủ khả năng để trả nợ cho ngân hàng.
"Bộ Xây dựng triển khai gói hỗ trợ này nhưng lại áp dụng một cách cào bằng đối với thu nhập thấp trên cả nước thì không hợp lý. Bởi vì, mỗi địa phương có mức sống khác nhau. Chẳng hạn, thu nhập 9 triệu đồng ở TP.HCM và Hà Nội thì không đủ sống nhưng ở các địa phương khác thì mức thu nhập này có thể sống tốt và có thể sống khỏe”, ông Châu lý giải.
Do đó, ông Châu cho rằng để người có thu nhập thấp vay được số tiền này thì phải tiếp tục tháo gỡ các “rào cản” không hợp lý.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh TP.HCM, cho biết mặc dù các quy định để người dân vay tiền mua nhà từ gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đã được thay đổi nhiều, từ thời hạn vay, lãi suất... nhưng hiện còn nhiều hạn chế.
“Bộ Xây dựng mới ban hành Công văn 395 yêu cầu các ngân hàng xét đối tượng được vay phải là người có thu nhập dưới 9 triệu đồng. Yêu cầu này đã khiến nhiều hồ sơ bị ách lại”. ông Linh cho hay.
Phan Diệu

Một Thế Giới