Việt Nam được đưa vào tầm ngắm của các đại gia Thái Lan

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 17:58, 07/04/2015

Thời gian gần đây các đại gia Thái Lan liên tục thâu tóm các doanh nghiệp Việt với hàng loạt dự án đầu tư lớn và các thương vụ mua bán, sáp nhập trong ngành bán lẻ, tiêu dùng. Như vậy, việc các tỷ phú Thái Lan sẽ dần “vượt mặt” các doanh nghiệp Việt ngay tại sân nhà trong tương lai không còn là một việc xa vời.
Sau bán lẻ, sữa, bia, điện tử, dầu khí, xây dựng... thì mới đây, các nhà đầu tư Thái Lan đang có động thái chuyển hướng vào hai lĩnh vực ôtô và dệt may của Việt Nam.
Ngày 2.4, tại buổi tọa đàm “Tăng cường giá trị sản xuất ô tô và xe máy của Việt Nam trong khu vực ASEAN, Ông Vichai Jirathiyut, Chủ tịch Viện ôtô Thái Lan đã bày tỏ mong muốn ngành ôtô của hai nước cùng nhau hợp tác để phát triển thay vì cạnh tranh với nhau.
Theo ông Vichai, hiện trong khối các nước ASEAN, Thái Lan được đánh giá là nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển, cạnh tranh cao và có tiêu chuẩn khí thải cao nhất. Thái Lan định hướng phát triển dòng xe bán tải một tấn và dòng xe sinh thái thành các dòng xe cạnh tranh.
Trong khi đó, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trong những năm gần đây tăng trưởng cao với các con số tăng trưởng khá ấn tượng trong ngành và ông tin rằng thị trường ôtô Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới bởi số lượng người dân sở hữu ôtô còn rất thấp.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất Thái Lan đang nắm giữ nhiều công nghệ tiên tiến có lợi cho các nhà sản xuất Việt Nam trong thị trường chung AEC. Các dây chuyền công nghiệp tự động chưa đầy đủ ở Việt Nam cho thấy hai ngành công nghiệp ở Việt Nam và Thái Lan có thể hỗ trợ lẫn nhau.
Mặc dù ông Vichai có nhiều nhận định về lợi thế phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, nhưng giới phân tích và các doanh nghiệp kinh doanh ô tô trong nước lo ngại Việt Nam sẽ sớm trở thành nơi tiêu thụ ô tô nhập khẩu trong khu vực.
Không những thế, mới đây, LG Electronics - nhà sản xuất tivi lớn thứ 2 thế giới cũng đang có kế hoạch chuyển dịch “cứ điểm” sản xuất tivi từ Thái Lan sang Việt Nam…
Mới đây, trả lời Reuters, Giám đốc Marketing LG Electronics tại Thái Lan - ông Nipon Wongsaengarunsri cho biết hãng sản xuất ti vi lớn nhì thế giới - LG Electronics (Hàn Quốc) sẽ chuyển mảng sản xuất TV từ Thái Lan sang Việt Nam trong năm nay do chi phí nhân công rẻ, dịch vụ vận tải thấp.
Trước đó, giữa tháng 1, Power Buy - đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Lan đã mua lại 49 % cổ phần công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT - sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.
Đại diện truyền thông của Central Group cho biết, việc mua cổ phần của Nguyễn Kim sẽ giúp công ty mở rộng hệ thống bán lẻ điện máy tại Việt Nam.
Chưa dừng lại đó, tháng 11.2014, Tập đoàn đồ uống ThaiBev của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi (người giàu thứ 3 Thái Lan với tài sản lên tới 11,3 tỷ USD) đã ngỏ ý muốn chi khoảng 40% cổ phần của Sabeco với mức giá được đưa ra là 80.000 đồng/cổ phiếu..Với mức giá này, ThaiBev phải chi gần 1 tỷ USD nếu thương vụ thành công.
Không những vậy, chính tỷ phú này cũng đứng đằng sau thương vụ Tập đoàn Berli Jucker (BJC) đàm phán mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 879 triệu USD. Tuy nhiên, thương vụ này đã “đổ bể” khi một số cổ đông thiểu số của BJC phủ quyết.
Ngoài ra, Tháng 9.2014 công ty con của BJC là Fraser and Neave Dairy Investments đã quyết định cho 1.800 tỷ đồng để nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần từ 9,5% lên 11% tại Vinamilk. Với việc nắm giữ 11% cổ phần, F&N nghiễm nhiên trở thành nhà đầu tư và đối tác chiến lược của Vinamilk.
Không những vậy, trên lĩnh vực dầu khí, Tập đoàn dầu khí Thái Lan đã chi mạnh tay và là nhà đầu tư chính vào Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội với giá trị lên tới 22 tỷ.
Bên cạnh đó, hàng loạt các thương vụ khác cũng được nhà đầu tư Thái Lan thực hiện dồn dập. Đầu năm 2014,Tập đoàn Chairatchakarn Chairatchakarn (Bangkok) Co.,Ltd đã mua 1,44 triệu cp của CTCP Kỹ thuật & Ôtô Trường Long (mã HTL-HOSE), chiếm tỷ lệ 18% vốn.
Mới đây nhất, The Ton Poh Thailand Fund đã bất ngờ trở thành cổ đông lớn của CTCP Xây dựng Cotec (CTD) kể từ ngày 25.3. 2015 sau khi đã mua vào 2,5 triệu cổ phiếu CTD, tương ứng nắm giữ 5,92% vốn cổ phần của CTD.
Trong khi đó, các tập đoàn dệt may lớn của Thái cũng đang lên kế hoạch trong 5 năm tới sẽ biến Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất để tái xuất khẩu các sản phẩm của mình sang các nước khác do Việt Nam có lực lượng lao động giá rẻ có tay nghề.
Phan Diệu



Một Thế Giới