Tiền có thể mua được hạnh phúc!

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 16:35, 06/09/2015

Hãy quên đi những gì bố mẹ bạn đã dạy hay quan điểm mà bạn vẫn giữ từ trước đến nay, rằng tiền không thể mua được hạnh phúc.

Đó là kết luận được đưa ra bởi một nhóm nghiên cứu đến từ Phòng Thống kê quốc gia (ONS) của nước Anh. Họ đưa ra kết luận này sau khi tổng hợp các số liệu về tài sản của các hộ gia đình cũng như tài sản cá nhân.

“Tài sản của các hộ gia đình càng tăng lên, mức độ hài lòng về cuộc sống cũng như mức độ hạnh phúc cũng sẽ tăng lên và nỗi lo lắng sẽ giảm bớt”, ONS nhận định trong báo cáo mới được công bố.

Trên thực tế, các tài sản tài chính (cổ phiếu, cổ phần, tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng hoặc tiền tiết kiệm cất giấu trong nhà) có mối quan hệ mạnh nhất với hạnh phúc.

Tuy nhiên, Generation Rent - thế hệ đi thuê, thế hệ những người trẻ tuổi vẫn chưa có nhà riêng – hoàn toàn không rơi vào tâm trạng không hạnh phúc. Nghiên cứu của ONS cho thấy tài sản cá nhân tăng lên không có nhiều ảnh hưởng đến hạnh phúc. Thay vào đó, mức thu nhập của cả hộ gia đình có mối liên hệ mạnh hơn.

Điều ngạc nhiên là mặc dù các tài sản vật chất như đồ cổ, du thuyền, xe sang hay các bộ sưu tập tem có thể tạo nên tính tự mãn, ONS chỉ ra rằng chúng không có bất kỳ mối liên hệ nào với mức độ hạnh phúc của mỗi người.

ONS yêu cầu những người tham gia khảo sát chấm điểm mức độ hạnh phúc của bản thân trên thang điểm từ 0 đến 10, dựa trên những câu hỏi như mức độ hài lòng về cuộc sống hay những điều họ làm có đáng giá hay không. Sau đó các câu trả lời được nghiên cứu kỹ lưỡng cùng với dữ liệu về thu nhập và tài sản của các hộ gia đình. Ngoài ra mô hình nghiên cứu còn có cả những biến số như giới tính hoặc dân tộc.

ONS tự tin rằng mối quan hệ mà họ miêu tả rất có ý nghĩa về số liệu thống kê. Ví dụ, đối với tài sản tài chính, những người nằm trong nhóm 20% nghèo nhất có số điểm trung bình thấp hơn 0,4% so với nhóm trung bình.

Đây là báo cáo mới nhất trong cuộc tranh luận về chủ đề liệu thu nhập và tài sản có giúp con người hạnh phúc hơn hay không.

Các chuyên gia kinh tế Betsey Stevenson và Justin Wolfers cũng đã từng cố gắng tìm ra bằng chứng hỗ trợ kết luận yếu tố quyết định hạnh phúc của bạn là so sánh với những người xung quanh. Tuy nhiên họ đã thất bại.

Sau khi nghiên cứu ở một số nước và nhiều định nghĩa về hạnh phúc cũng như nhu cầu cơ bản, họ kết luận rằng nếu có một điểm thỏa mãn (tại đó thu nhập và hạnh phúc không còn liên quan đến nhau), chúng ta vẫn chưa đạt đến điểm đó.

ONS cũng đưa ra một điểm quan trọng hơn đối với các nhà hoạch định chính sách: ở những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, người dân cũng hạnh phúc hơn.

Năm 2006, David Cameron đã hối thúc các nhà thống kê tập trung nhiều hơn vào các biện pháp thay thế nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người Anh. “Hạnh phúc có thể được đo bằng tiền và giao dịch trên các thị trường”, ông nói.

Trong khi đó Diane Coyle, người sáng lập Enlightenment Economics, là một nhà kinh tế học nghĩ rằng các số liệu thống kê nên tập trung vào các kết quả hữu hình hơn. “Tôi không cho rằng chúng ta nên đo lường hạnh phúc. Đó không phải là một thước đo hữu hiệu về mặt chính sách. Chính phủ không thể dễ dàng tác động vào hạnh phúc và nên tập trung vào những thứ mà họ có thể làm được như tăng chi cho y tế”, bà nói.

Nghiên cứu trước đó của ONS kết luận sức khỏe tốt, loại việc làm và các mối quan hệ cá nhân có mối liên hệ mạnh nhất với mức độ hạnh phúc. Ít nhất thì Chính phủ có thể tác động vào hai yếu tố đầu tiên.

Và nếu bạn không tin vào ONS, bạn có thể đồng ý với câu nói của Ronald Reagan: “Tiền không thể mua được hạnh phúc, nhưng chắc chắn tiền giúp bạn có được những kỷ niệm tươi đẹp hơn”.

Thu Hương/ Trí thức trẻ

Một Thế Giới