Gần một nửa dự án bất động sản tại TP.HCM “chết lâm sàng”
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 16:20, 14/03/2016
Toàn thành phố hiện có 1.409 dự án bất động sản, nhưng trong đó, số lượng các dự án bị thu hồi, bị tạm ngưng thi công và chưa khởi công đã lên đến 692 dự án, chiếm 49,1% tổng số dự án.
Trong báo cáo về thị trường bất động sản năm 2015 và hai tháng đầu năm 2016 của Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết, con số dự án “chết lâm sàng” ngày càng gia tăng.
Cụ thể, toàn thành phố hiện có 1.409 dự án, nhưng trong đó, đã có đến 190 dự án bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư hoặc hết hạn văn bản chủ trương đầu tư. Trong 1.219 dự án còn hiệu lực triển khai lại có đến 405 dự án chưa khởi công. Trong số 325 dự án đã khởi công thì có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng thi công.
Như vậy, số lượng các dự án bị thu hồi, bị tạm ngưng thi công và chưa khởi công đã lên đến 692 dự án, chiếm 49,1% tổng số dự án. Đây là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho trên thị trường bất động sản cần phải có giải pháp hợp lý.
Những căn biệt thự bị bỏ hoang tại khu đất vàng của phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 (Ảnh: PD) |
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, nhiều dự án bất động sản không thể triển khai được do vướng đền bù giải tỏa. Hiện tại, có những dự án đã giải phóng mặt bằng trên 80% diện tích, thậm chí đến 98% đất dự án, nhưng phần diện tích còn lại doanh nghiệp không thể thỏa thuận đền bù được. Vì vậy, rất cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sớm triển khai dự án và vừa đảm bảo lợi ích của người có đất, vừa đảm bảo lợi ích chung của xã hội.
Bên cạnh các dự án “chết lâm sàng”, năm 2015, thị trường bất động sản còn có dấu hiệu phát triển nóng, có xu hướng tăng rất mạnh các dự án bất động sản cao cấp. Số lượng người kinh doanh thứ cấp, phần lớn nhằm mục đích mua đi bán lại cũng tăng gấp 3 lần, chiếm khoảng 15% giao dịch. Giá bán bất động sản cao cấp tại nhiều dự án cũng tăng từ 5% đến trên dưới 15% so với năm 2014.
Ngoài ra, ông Châu cũng cho rằng, hiện tại, tiền sử dụng đất vẫn là một “gánh nặng” và là một “ẩn số không minh bạch” đối với doanh nghiệp, tạo ra cơ chế "xin - cho". Cuối cùng chi phí tiền sử dụng đất cũng sẽ được tính vào giá bán mà người tiêu dùng phải gánh chịu.
"Do đó, Hiệp hội bất động sản TP.HCM kiến nghị sửa đổi cách tính tiền sử dụng đất như đề xuất của Ủy ban Nhân dân TP.HCM tại văn bản 196/BC-UBND như sau: Về lâu dài đề nghị nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm tiền sử dụng đất mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất. Như vậy, vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin – cho. Hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước”, ông Châu nói.
Bên cạnh các mặt tiêu cực còn tồn đọng, thị trường bất động sản cũng đã phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Theo đó, năm 2015, thị trường bất động sản đã có sự tăng trưởng rất mạnh trên tất cả các phân khúc, quy mô tăng gần gấp đôi so với năm 2014. Trong đó, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư tăng trưởng khá mạnh.
Phân khúc nhà ở thương mại loại căn hộ 1 - 2 phòng ngủ, có giá bán vừa túi tiền (trên dưới 1 tỉ đồng/căn hộ) vẫn là phân khúc phát triển bền vững, trụ cột của thị trường, đáp ứng nhu cầu thật của phần lớn người tiêu dùng, và hiện nay cung không đủ cầu. Phân khúc bất động sản cao cấp có sự tăng trưởng lớn nhất, tập trung vào khu nam và khu đông thành phố.
Quy mô tín dụng vào thị trường bất động sản TP.HCM đạt khoảng 140.000 tỉ đồng, chiếm 12,3% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, cao hơn nhiều so với mức 10,3% của cả nước. Lượng kiều hối chuyển về thành phố đạt 5,5 tỉ USD, trong đó, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 21,6%.
Thành phố đã thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 1,3 tỉ USD vào lĩnh vực bất động sản (đứng thứ 2). Rất nhiều dự án bất động sản "ăn theo" các khu vực mà Nhà nước đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đô thị và liên vùng.
Phan Diệu