Bất động sản 2015 tăng trưởng nhưng chưa vững chắc
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 12:25, 28/12/2015
Năm 2015 đánh dấu sự hồi phục của thị trường bất động sản khi lượng cung, lượng cầu đều tăng đột biến, giá trị tồn kho giảm. Tuy nhiên, sự phát triển mất cân đối giữa phân khúc cao cấp và bình dân đang là nỗi lo tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tình trạng "bong bóng" trong lĩnh vực bất động sản.
Thị trường tăng trưởng mạnh
Tại TP.HCM, trong quý 3/2015 đã 10.114 căn hộ được chào bán. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng 200%. Trong khi đó, số căn hộ tiêu thụ được là 7.862 căn, tăng 88%. Ggiá chào bán trung bình cũng tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Đánh giá về thị trường bất động sản năm 2015, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng thị trường tiếp tục đà hồi phục và tăng trưởng mạnh hơn so với năm 2014 ở tất cả phân khúc. Nguồn cung không đủ cầu trong năm 2015.
“Năm 2015 tiếp tục chứng kiến rất nhiều dự án bất động sản cao cấp ra mắt. Phân khúc này có sự đầu tư rất mạnh, nhiều dự án tập trung ở khu Nam và khu Đông thành phố. Còn các phân khúc khác tập trung phát triển trên tất cả quận huyện của thành phố. Đáng chú ý, một vài dự bất động sản cao cấp có dấu hiệu bắt đầu phát triển ở phía Tây như quận 6, quận Tân Phú”, ông Châu chia sẻ với báo điện tử Một Thế Giới.
2015 cũng là năm đánh dấu dòng vốn mạnh mẽ của các quỹ đầu tư và công ty nước ngoài khi liên tục rót vốn vào thị trường bất động sản, thông qua các hình thức như mua bán dự án, đầu tư với doanh nghiệp trong nước thông qua các phương thức mua lại cổ phần, góp vốn đầu tư trực tiếp vào dự án, hoặc cho vay…
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, trong 11 tháng đầu năm 2015, lĩnh vực bất động sản đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 3. Tổng số vốn đầu tư chiếm 2,32 tỉ USD, gồm 29 dự án đầu tư mới được cấp phép và 10 lượt dự án tăng vốn, chiếm 11,5% tổng nguồn vốn FDI cam kết.
So với cùng kỳ năm 2014, FDI năm 2015 đổ vào bất động sản đã tăng hơn 1 tỉ USD và đang có xu hướng tăng, khi thị trường bất động sản trên đà hồi phục và tăng trưởng tốt.
“Thị trường bất động sản chỉ đứng thứ 3 về thu hút FDI, thế nhưng đứng trước biến động của thị trường ngoại tệ, thị trường chứng khoán, thị trường vàng thì bất động sản là lựa chọn có nhiều ưu điểm trong giai đoạn tiếp theo. Thị trường bất động sản sẽ còn tiếp tục hấp dẫn vốn đầu tư trong lẫn ngoài nước”, ông Châu nói.
Còn nhiều mảng tối
Mặc dù tăng trưởng đáng kể, song sự phát triển mất cân đối giữa phân khúc cao cấp và bình dân đang là nỗi lo, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tình trạng "bong bóng" trong lĩnh vực bất động sản.
Theo đó, thị trường đang có sự tăng trưởng nguồn cung rất lớn ở phân khúc bất động sản cao cấp, trong lúc lại thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ với giá bán hợp túi tiền của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị.
Thống kê sơ bộ tại TP.HCM cho thấy, hiện nay có 6.000 căn hộ trung bình thấp, trong khi đó có 30.000 căn hộ trung và cao giá.
“Bao giờ cái thấp và trung bình cũng phải nhiều hơn cao, mà bây giờ thị trường lại thấp ít hơn cao. Cao cấp nhiều thì nguy cơ lặp lại “bong bóng” như 2006-2008 là có khả năng. Trước đây có tình trạng hàng loạt nhà đầu tư đầu tư vào căn hộ cao giá để thu lợi nhiều nhưng lại làm thị trường nghẽn mạch và lan truyền nhanh”, ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành từng nhận định với Một Thế Giới.
Ngoài sự “lệch pha” về phân khúc căn hộ, thị trường bất động sản 2015 vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như chưa tạo được cơ chế để xử lý các dự án bất động sản dở dang, tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng nhu cầu, lãi suất cho vay cao. Ngoài ra, quy hoạch, quản lý đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, cải thiện dân sinh và bảo vệ môi trường.
Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM, thành phố hiện có 1.219 dự án, nhưng có đến 405 dự án chưa khởi công, 189 dự án đã bị thu hồi chủ trương đầu tư. Trong số 325 dự án đã khởi công, có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng thi công.
Tính ra, tổng số dự án tạm ngưng thi công và chưa khởi công lên đến 502 dự án (chiếm 41,18%). Chưa kể, nhiều dự án không thể triển khai được do vướng đền bù giải tỏa.
Phan Diệu