Nở rộ mô hình kinh doanh bảo hiểm thông qua ngân hàng
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 17:37, 15/12/2015
Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, do đó, ngày càng có nhiều ngân hàng quan tâm và đầu tư vào dịch vụ kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance).
Ngày càng có nhiều ngân hàng quan tâm và đầu tư vào dịch vụ kinh doanh bảo hiểm. Các ngân hàng đang được xem là một tổ chức thích hợp để bán bảo hiểm, bởi lẽ các nhà băng đều sở hữu hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp trên cả nước cùng hệ thống công nghệ thông tin đủ sức đáp ứng những yêu cầu của ngành bảo hiểm. Với yếu tố này, ngân hàng có thể hỗ trợ khâu thanh toán và trực tiếp bán bảo hiểm cho khách hàng của chính mình.
Tuần trước, tại TP.HCM, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential) và Ngân hàng Quốc Tế (VIB) đã ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược nhằm triển khai mô hình kinh doanh bảo hiểm thông qua ngân hàng (bancassurance) trong thời hạn 15 năm.
Theo đó, VIB sẽ độc quyền phân phối tất cả các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Prudential qua các kênh phân phối của ngân hàng.
Trước VIB, Prudential từng ký hợp tác kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng với Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank) và Ngân hàng Standard Chartered. Techcombank cũng từng hợp tác với Bảo Việt, trong khi HD Bank ký hợp đồng với Dai-ichi Life Việt Nam. Sacombank cũng bắt tay với Dai-ichi Việt Nam vào năm 2012.
Không chỉ vậy, có không ít ngân hàng lại chủ động thành lập công ty bảo hiểm riêng. Đơn cử, trong Đại hội cổ đông năm 2015 của Sacombank, lãnh đạo ngân hàng này cho biết đã nắm 58,73% vốn của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Long. Tại SHB, ngân hàng này cũng góp vốn thành lập Công ty Bảo hiểm Vinacomin - SHB.
Ở khối ngân hàng quốc doanh, các ngân hàng lớn lại chọn phương án đầu tư theo mô hình sở hữu công ty bảo hiểm. Chẳng hạn, tại ngân hàng BIDV đã mua lại toàn bộ phần vốn góp của Công ty Bảo hiểm Quốc tế QBE trong Liên doanh Bảo hiểm Việt Úc, để thành lập Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) vào năm 2005.
Vietcombank cũng góp 45% vốn thành lập Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Vietcombank Cardif (VCLI) năm 2008. VietinBank cũng mua lại phần vốn góp của Công ty Bảo hiểm châu Á Singapore để thành lập VBI vào năm 2008. Agribank lại thành lập Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABCI) năm 2007.
Ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, hiện có 20-50% doanh thu của ngân hàng mang lại từ hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm (cả nhân thọ và phi nhân thọ).
Tuy nhiên, ở Việt Nam, con số này còn khá khiêm tốn. Theo thống kê của Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (thuộc Bộ Tài chính), trong giai đoạn 2011-2014, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ lần lượt đạt con số 21%/năm và 11%/năm, trong đó quy mô tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm 2014 đạt 52.680 tỉ đồng. Đặc biệt, tỷ trọng doanh thu kênh bancassurance hiện chỉ chiếm khoảng 3,3% tổng doanh thu bảo hiểm cả nước.
Do đó, việc ký kết hợp tác và kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng hiện đang được các công ty bảo hiểm xem là một thị trường “hấp dẫn” của ngành bảo hiểm.
Ông Wilf Blackburn - Tổng Giám đốc Prudential Việt Nam cho rằng thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Hiện tại, mới chỉ có 7% dân số tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Trong tương lai, khi thu nhập tăng lên thì nhu cầu được bảo hiểm cũng sẽ tăng theo. Các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường có giá trị lớn và thời gian dài hơn so với một số sản phẩm của ngân hàng.
Phan Diệu