Giá đất khu đô thị Thủ Thiêm cao hơn nhiều con số 3.000 USD/m2
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 08:51, 02/10/2015
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng thông tin giá đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm hơn 3.000 USD/m2 và doanh nghiệp phải trả ngay chi phí đất mà không được gia hạn là chưa chính xác.
Đơn vị tư vấn CBRE Việt Nam mới đây đã công bố báo cáo về Khu đô thị Thủ Thiêm, trong đó có chi tiết nói rằng giá đất bình quân ở khu đô thị này đang ở mức cao, với hơn 3.000 USD/m2 và doanh nghiệp phải trả ngay chi phí đất mà không được gia hạn.
Theo CBRE, giá đất cao lên là một trong những nguyên nhân khiến Thủ Thiêm chậm triển khai. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng ở đây còn thiếu đồng bộ. Cả 4 tuyến đường chính của đô thị này hiện vẫn đang trong giai đoạn thi công, phải mất 12 - 24 tháng nữa mới có thể hoàn thiện.
Những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào Thủ Thiêm trong thời gian từ 10 - 15 năm tới vẫn sẽ hạn chế. Thủ tục cũng mất nhiều thời gian vì cơ chế báo cáo từ Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm lên các cấp cao hơn của TP.HCM.
Việc thực hiện thêm những dự án mới bên bờ Tây (khu trung tâm hiện hữu) sẽ càng làm Thủ Thiêm mất điểm trong mắt các nhà đầu tư.
CBRE cho rằng Thủ Thiêm như “Phố Đông của Sài Gòn”. Tuy nhiên, để khu đô thị này sớm đi vào hoạt động đòi hỏi cần phải có các quyết sách mới triệt để hơn.
Phố cảnh khu đô thị Thủ Thiêm trong tương lai (Ảnh: Ban quản lý KDT Thủ Thiêm) |
Theo CBRE, khu đô thị Thủ Thiêm cần được xác định là một dự án ưu tiên cấp quốc gia cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Chính phủ. Đồng thời, cần có một quy trình đầu tư đơn giản và rõ ràng bởi đây là yếu tố sống còn cho việc phát triển dự án.
Không những vậy, Thủ Thiêm cũng cần thông qua chính sách “một cửa” và rút ngắn thời gian xét duyệt, cấp phép cho các dự án có vốn đầu tư ngoại, giải tỏa được nhiều quan ngại có thể gây cản trở quyết định đầu tư. Việc làm này nhằm giảm thiểu nguy cơ đầu cơ, ngăn giá đất không bị đẩy lên cao tới mức không thể chạm đến.
Và cuối cùng, nên giới hạn việc cấp phép đầu tư vào những dự án lớn ở khu vực bờ Tây của sông Sài Gòn, nếu không có thể làm loãng sức hút của khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tuy nhiên, trao đổi với Một Thế Giới, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng thông tin giá đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm hơn 3.000 USD/m2 và doanh nghiệp phải trả ngay chi phí đất mà không được gia hạn là chưa chính xác.
- Chào ông, mới đây, trong báo cáo của đơn vị tư vấn CBRE Việt Nam có thông tin cho rằng giá đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm hơn 3.000 USD/m2 và doanh nghiệp phải trả ngay chi phí đất mà không được gia hạn. Ông nghĩ sao về thông tin này ?
-Theo tôi, thông tin trên không chính xác. So với con số CBRE công bố thì con số thực còn cao hơn rất nhiều..
Được biết, giá nhà phố thương mại tại khu đô thị này được bán với giá 140 - 180 triệu đồng/m2, tùy theo vị trí và tùy theo khách hàng mà có mức chiết khấu phù hợp, bởi có người mua nhiều, người mua ít. Đây là giá đất xây dựng đã có hạ tầng, chưa bao gồm chi phí xây dựng.
Khu đô thị Sala tại Thủ Thiêm là khu đô thị cao cấp nhất của TP.HCM nên giá đắt là đúng rồi, nhưng lấy nó để nói giá đất quận 2 cao là không đúng. Chúng ta không thể lấy đặc thù của khu đô thị Sala để nói cho toàn bộ quận 2 được.
Trong các báo cáo trước, CBRE có nói giá nhà trung bình từ nay đến cuối năm không tăng nhưng trên thị trường giá đang tăng. Ở TP.HCM, các phân khúc đều tăng giá, nên tôi nghĩ đánh giá này cũng chưa đầy đủ.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Ảnh: P.D) |
- Theo ông, để Khu đô thị Thủ Thiêm đi vào hoạt động thì cần phải có chính sách quyết liệt hơn không?
-Tại khu đô thị này, Sala đã có chủ đầu tư và chúng ta không nên can thiệp vào quyền tự chủ đầu tư của doanh nghiệp đó. Công ty Đại Quang Minh bản thân đã có năng lực tốt về tất cả mọi thứ. Vấn đề còn lại là làm sao thu hút đầu tư vào Khu đô thị Thủ Thiêm.
Hiện nay, thành phố đã cho một cơ chế đặc thù là cho lựa chọn chủ đầu tư, không thông qua đấu thầu. Chủ trương này là cần thiết trong trường hợp không có nhiều nhà đầu tư. Nếu có hơn 1 nhà đầu tư thì thực hiện đấu thầu, đấu giá thì mới có tính cạnh tranh, minh bạch.
Hiện khu đô thị Thủ Thiêm đã có hơn 1 nhà đầu tư thì tôi nghĩ việc đấu giá, đấu thầu là phù hợp.
- Khu đô thị này có cần một quy trình đầu tư rõ ràng và đơn giản hơn không, thưa ông ?
-Hiện nay, quận 2 đang được thụ hưởng nhiều từ đầu tư hạ tầng của thành phố, nhờ đó khu Đông TP.HCM mới có một bước đột biến tăng trưởng trong thời gian gần đây.
Tuyến đường Phạm Văn Đồng tưởng như không liên quan tới quận 2 nhưng thực chất nó tác động tác động trực tiếp tới quận 2. Do đó, nhiều dự án tại đây được hưởng lợi từ đầu tư hạ tầng của thành phố.
Sự hấp dẫn của Khu đô thị Thủ Thiêm với nhà đầu tư nước ngoài hiện vẫn còn hạn chế do tính khách quan. Nền kinh tế thế giới đang hồi phục chậm, đang bị trì trệ do Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, do giá dầu lao dốc, do thị trường chứng khoán… Vì vậy, nền kinh tế toàn cầu đang bị khủng hoảng, kéo theo các nguồn lực giàu có về tài chính đang bị sụt giảm nên nhiều nước không dư tiền đầu tư vào Việt Nam. Do đó, đừng ảo tưởng chúng ta sẽ có nguồn vốn khổng lồ đổ vào.
Chủ quan mà nói là nền kinh tế đang trong quá trình hồi phục, kinh tế VN chưa phát triển mạnh. VN sẽ có đột biến kinh tế nếu ký xong hiệp định TPP và nước ta trở thành điểm đến của nhà đầu tư.
Lúc đó, Khu đô thị Thủ Thiêm sẽ thu hút thêm nguồn lực. Còn thời điểm này không thuận lợi để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
-Xin cảm ơn ông !
Phan Diệu
>> Toà nhà 8B Lê Trực: “Dự án được Bộ Quốc phòng cho phép“
>> Ông Phó TGĐ “lĩnh lương gần 1 tỉ mỗi năm mà không kiếm được xu tài trợ nào” lên tiếng
>> Nguyễn Chánh Tín sa cơ, ở nhà thuê, bán quán nhậu sống qua ngày
>> Phước Sang đã bị siết nợ ngôi biệt thự sang trọng!
>> Putin - Obama căng thẳng ngay trên bàn tiệc
>> Ở nơi hàng ngàn con bò được đóng bảo hiểm