Gói 30.000 tỉ: Người mua ngơ ngác, chủ đầu tư trục lợi
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 08:03, 25/08/2015
Lợi dụng chính sách cho vay ưu đãi đối với người thu nhập thấp đô thị nhằm bán nhanh sản phẩm, nhiều chủ đầu tư không ngần ngại sử dụng mánh khóe để trục lợi gói 30.000 tỉ.
Chia nhỏ hợp đồng để trục lợi
Theo phản ánh của báo chí, thời gian gần đây xuất hiện nhiều chủ đầu tư sử dụng các mánh khóe để trục lợi gói 30.000 tỉ.
Với những ưu đãi từ gói 30.000 tỉ, nhiều chủ đầu tư không ngần ngại tách giá trị căn hộ bằng cách chia nhỏ hợp đồng nhằm trục lợi. Cách trục lợi từ gói vay này khá đơn giản, đó là một căn hộ có giá khoảng 1 tỉ đồng sẽ được tách thành 2 hợp đồng để “chạy” vay ưu đãi từ gói 30.000 tỉ đồng. Với mánh khóe chia nhỏ hợp đồng này, chủ đầu tư có thể thu lợi từ 3 khoản chính là vay vốn ưu đãi, thuế giá trị giá tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thứ nhất, về vay ưu đãi, thay vì phải trả lãi suất 10% thì chủ đầu tư chỉ trả lãi 5%. Khi vay gói ưu đãi này, chủ đầu tư sẽ được vay ưu đãi tới 30% giá trị căn hộ.
Thứ hai, với căn hộ có giá khoảng 1 tỉ thì đáng ra chủ đầu tư phải nộp thuế 100 triệu đồng (tương đương nguồn thuế giá trị gia tăng (GTGT) là 10%), thế nhưng sau khi tách hợp đồng, chủ đầu tư chỉ phải nộp 5%, bởi thuế GTGT cho gói 30.000 tỉ chỉ có 5%, mà 5% chỉ phải nộp trên một nửa hợp đồng, tức 5% của 500 triệu đồng. Còn khoản chênh đã tách hợp đồng thì chủ đầu tư không phải đóng một đồng tiền thuế nào.
Thứ ba, khoản 500 triệu sau khi được tách hợp đồng thay vì phải nộp 22% thuế thu nhập doanh nghiệp thì chủ đầu tư chỉ phải đóng 10% bởi được hưởng ưu đãi từ gói 30.000 tỉ. Còn khoản 500 triệu đồng không có hóa đơn, không có chi phí thì chủ đầu tư đã có trốn được hơn 100 triệu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Như vậy, với một nguồn lợi quá lớn, nhiều chủ đầu tư đã nghĩ ra nhiều chiêu trò để kiếm tiền từ gói vay ưu đãi này. Việc tách giá trị căn nhà bằng hợp đồng tư vấn môi giới chỉ là một trong những mánh khóe mà chủ đầu tư đang sử dụng để tiếp cận gói vay 30.000 tỉ đồng. Trong khi đó, đối tượng chính của gói hỗ trợ là người thu nhập thấp lại gặp khó khăn khi tiếp cận gói vay này và người dân cuối cùng vẫn là đối tượng phải chịu thiệt nhất.
Trao đổi với Một Thế Giới, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết các doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách cho vay ưu đãi đối với người thu nhập thấp đô thị nhằm bán nhanh sản phẩm. Đáng chú ý, những doanh nghiệp trục lợi gói 30.000 tỉ mà báo chí đã phản ánh đều không phải là thành viên của HoREA.
Sẽ rà soát ngân hàng cho vay
Liên quan đến thông tin về việc trục lợi gói vay này, ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM, cho biết sẽ rà soát lại các báo cáo từ các ngân hàng có cho vay gói 30.000 tỉ đồng, sau đó cho kiểm tra.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đang yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM cho vay gói 30.000 tỉ báo cáo về toàn bộ quy trình và quá trình cho vay cũng như các thủ tục theo phản ánh từ báo chí đã. Riêng 2 đơn vị là Vietinbank chi nhánh Bắc Sài Gòn và BIDV chi nhánh Ba Tháng Hai ( 2 ngân hàng cụ thể mà báo chí đã nêu) phải báo cáo cụ thể, chi tiết nội dung cho vay này. Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải tự kiểm tra và báo cáo. Qua lễ 2.9, khi các đơn vị này gửi báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước thì lúc đó NHNN sẽ đi kiểm tra chi tiết.
Đồng thời, các ngân hàng sẽ trình bày khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai gói tín dụng trên dành cho khách hàng cá nhân có thu nhập thấp và các doanh nghiệp vay triển khai dự án nhà ở xã hội.
“ Từ các báo cáo đó, chúng tôi sẽ đặt ra các nghi vấn liên quan để kiểm tra toàn bộ hoạt động cho vay của ngân hàng. Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm với quy định giải ngân sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, tùy theo mức độ sai phạm mà Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý. Nếu làm sai thì thu hồi lại phần lãi đã hỗ trợ và chuyển sang cho vay thương mại như bình thường hoặc thu hồi lại vốn vay vì đã cho vay sai đối tượng. Nếu sai phạm nặng hơn sẽ xử phạt theo Nghị định 96.
Ông Minh cũng cho biết, đợt kiểm tra này không chỉ gói gọn trong những ngân hàng mà báo chí phản ánh mà NHNN TP.HCM còn mở rộng ra những ngân hàng khác có cho vay gói 30.000 tỉ đồng.
Bộ Xây dựng yêu cầu kiểm tra
Trước việc trục lợi này, Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai thực hiện tiến độ cho vay, giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỉ đồng.
Cụ thể, Bộ Xây dựng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và môi trường và các Sở, ban, ngành liên quan đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý, trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất theo quy định của pháp luật cho người mua nhà ở.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm theo thẩm quyền những hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng, trái quy định của pháp luật về nhà ở.
Đối với dự án nhà ở thương mại đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển sang nhà ở xã hội, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện ngay việc triển khai đầu tư xây dựng để phát huy hiệu quả, khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực về đất đai, tài chính, kiên quyết thu hồi các dự án đã cho phép chuyển sang nhà ở xã hội nhưng chậm triển khai.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong quá trình thực hiện thủ tục xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội.
Phan Diệu