Để vượt mặt Trung Quốc thì Ấn Độ cần phá một sợi xích
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 05:45, 25/05/2015
Xét về tiềm năng trên mọi mặt, thì Ấn Độ không hề thua kém Trung Quốc và thậm chí là còn trội hơn ở một số điểm. Và để đánh thức con quái vật Ấn Độ, thì điều cần làm là hãy nới lỏng sợi xích mang tên Rupee.
Cuộc đua lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại đang diễn ra ở đâu, không phải là những trường đua F1 lừng danh, mà cuộc đua có quy mô lớn nhất toàn cầu đang diễn ra ở châu Á. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đang buộc các nước trong khu vực cần phải tăng tốc quá trình phát triển và lớn mạnh của mình nhanh hơn bao giờ hết, nếu như không muốn bị sức ép và ảnh hưởng từ gã khổng lồ Trung Quốc nuốt chửng.
Hai trong số những cường quốc hàng đầu châu Á là Nhật Bản và Ấn Độ là một ví dụ. Nhật Bản đã lao vào canh bạc tái cơ cấu nền kinh tế để thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc, còn Ấn Độ cũng đang đứng trước sức ép phải tăng trưởng kinh tế nhanh hơn bao giờ hết thay vì giữ thái độ ung dung như trước.
Xét về tiềm năng trên mọi mặt, thì Ấn Độ không hề thua kém Trung Quốc và thậm chí là còn trội hơn ở một số điểm. Và để đánh thức con quái vật Ấn Độ, thì điều cần làm là hãy nới lỏng sợi xích mang tên Rupee.
Có quá nhiều nguyên nhân giải thích cho sự trỗi dậy muộn màng của Ấn Độ trong nền kinh tế thế giới. Khác với Trung Quốc vốn duy trì chính sách đóng cửa đất nước sau khi Mao Trạch Đông thống nhất đất nước vào năm 1949 cho tới mãi năm 1978 mới mở cửa, thì Ấn Độ lại không như vậy.
Nền dân chủ đại nghị cộng với việc là thành viên chủ chốt của khối Thịnh vượng chung đã khiến Ấn Độ luôn mở rộng cửa với các nhà đầu tư trên toàn cầu. Nhưng kết quả là Ấn Độ lại là một trong những nước hội nhập muộn nhất ở châu Á, sau cả Trung Quốc vốn đóng cửa liên tục trong gần ba mươi năm.
Lý do chủ yếu giải thích điều này là, Ấn Độ không đóng cửa nhưng lại tự cô lập mình với thế giới. Những nhà lãnh đạo chủ chốt của Ấn Độ sau khi nước này độc lập như Gandhi hay Nehru đều không hướng tới một sự phát triển kinh tế dựa trên thương mại với các nước trên thế giới.
Xu hướng tập trung vào nền kinh tế quốc nội được chú trọng hơn, cùng với đó là các tư tưởng kinh tế tập trung và bao cấp theo kiểu Liên Xô lại được áp dụng rộng rãi ở Ấn Độ. Tất cả những điều này khiến cho Ấn Độ vốn giành được độc lập rất sớm, có mối quan hệ kinh tế chính trị mật thiết với phương Tây và lẽ ra có thể sớm trở thành cường quốc số một châu Á, lại trở thành một nước hội nhập chậm nhất châu lục.
Và nếu như có ai đó nghĩ rằng, đặc điểm này sẽ bị thay đổi nhanh chóng sau khi Ấn Độ hội nhập kinh tế với thế giới vào những năm 1990, thì họ đã nhầm. Đúng là Ấn Độ đã không còn chỉ tập trung vào nền kinh tế quốc nội mà bỏ bê việc phát triển thương mại như trước, nhưng đất nước đông dân thứ hai thế giới này vẫn chưa thoát ra khỏi tư duy kinh tế lỗi thời trước đó của mình.
Trong khi cả châu Á học theo mô hình phát triển kinh tế của Nhật Bản và Singapore là lấy xuất khẩu làm bàn đạp phát triển kinh tế, thì Ấn Độ vẫn cực kỳ thờ ơ với mô hình đang đem lại thành công lớn ở châu Á Thái Bình Dương này. Kết quả là khi hàng loạt con rồng châu Á ra đời gắn liền với mô hình kinh tế dựa trên xuất khẩu như Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore thì các nhà lãnh đạo Ấn Độ vẫn chìm đắm vào vấn đề cải cách nông thôn hay tranh cãi về chế độ đẳng cấp trong xã hội.
Chỉ đến khi Trung Quốc chính thức sao chép mô hình phát triển kinh tế dựa trên xuất khẩu và thu được những thành quả lớn, thì Ấn Độ mới tỉnh ngộ. Chứng kiến gã hàng xóm khổng lồ tiến nhanh hơn bao giờ hết trong phát triển kinh tế, cùng với đó là sức ép lên Ấn Độ ngày càng gia tăng, New Delhi mới bắt đầu thay đổi chiến lược và bắt đầu hướng đến mô hình phát triển kinh tế dựa trên xuất khẩu.
Việc một nhà lãnh đạo được xem là thực tế và thuộc tuýp kỹ trị như ông Narendra Modi thắng cử vào vị trí thủ tướng của Ấn Độ được xem là biểu hiện cho quyết tâm mạnh mẽ của Ấn Độ để thay đổi tình hình. Nhưng không dễ để thay đổi cả một hệ tư tưởng kinh tế đã ngấm sâu vào nền kinh tế Ấn Độ trong hàng chục năm qua. Có rất nhiều biểu hiện của những trở ngại này, tiêu biểu là quan điểm của người Ấn Độ về đồng nội tệ của họ - đồng Rupee.
Nếu như ở mọi quốc gia đặt trọng tâm vào xuất khẩu thì đồng nội tệ luôn có xu hướng được giữ ở tỷ giá thấp để kích thích và thu lợi từ xuất khẩu, thì ở Ấn Độ việc đồng Rupee sụt giá lại được coi là nỗi sỉ nhục quốc gia. Quan điểm truyền thống đối với các nhà lãnh đạo Ấn Độ là, giá trị đồng nội tệ là biểu trưng cho sức mạnh nền kinh tế - một quan niệm cũ kỹ và khá lỗi thời.
Ngoài yếu tố quan niệm lỗi thời đó ra, thì việc giữ tỷ giá đồng Rupee mạnh cũng đem lại những tác dụng thực tế. Nó sẽ giúp cân bằng cán cân thương mại của Ấn Độ vốn có đặc điểm là lượng nhập khẩu rất lớn. Người Ấn Độ trong khi ít chú trọng đến xuất khẩu nhưng lại nhập khẩu rất nhiều, đặc biệt là dầu mỏ và vàng, và một đồng Rupee mạnh sẽ khiến cho thâm hụt thương mại của Ấn Độ giảm đi đáng kể.
Nhưng khi mà Ấn Độ đang quyết tâm chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn bao giờ hết, thì họ cần thay đổi quan niệm cũ kỹ và lạc hậu này. New Delhi đang muốn hướng tới mô hình phát triển kinh tế hướng tới xuất khẩu giống như Trung Quốc và các nước Đông Á khác, điều này đồng nghĩa với việc phải chủ động tìm cách hạ tỷ giá đồng Rupee xuống.
Tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ở Ấn Độ đã đạt mức 25% GDP trong năm 2013 và đang tăng lên với tốc độ chóng mặt là thành tựu đáng kể cho nỗ lực chuyển đổi mô hình kinh tế, nhưng đồng Rupee vẫn chưa được nới lỏng ở mức cần thiết. Và nó đang đem lại những hậu quả không nhỏ cho kinh tế Ấn Độ.
Từ tháng 4.2014 đến tháng 3.2015, đồng USD đã tăng giá tới 24% so với đồng Euro, 16% so với đồng Yen, 14% so với bảng Anh, nhưng với đồng Rupee thì mức này chỉ là 4,5%. Nó đang cho thấy đồng Rupee vẫn đang là một trong những đồng tiền có tỷ giá cao nhất thế giới ở thời điểm hiện tại, và điều này đồng nghĩa với việc gây thiệt hại lớn cho xuất khẩu và kinh tế Ấn Độ. Xuất khẩu Ấn Độ giảm 5 tháng liên tiếp gần nhất, với mức đỉnh điểm vào tháng 3.2015 là sụt giảm 21%. Thâm hụt thương mại tính đến tháng 4.2015 đã lên tới gần 11 tỷ USD.
Những thiệt hại này lớn đến mức đang buộc các nhà lãnh đạo Ấn Độ phải nhìn nhận lại vấn đề một cách nghiêm túc. Họ đang đứng trước cơ hội rất lớn đến vượt mặt Trung Quốc và không thể bỏ lỡ cơ hội. Hơn nữa, đưa ra những cải cách nền kinh tế vốn là trọng tâm hàng đầu của thủ tướng Modi sau khi ông đắc cử. Người Ấn Độ bầu cho ông Modi là mong muốn một cải cách triệt để có thể hướng Ấn Độ theo mô hình phát triển kinh tế năng động hơn giống như các nước Đông Á, và việc nới lỏng đồng Rupee là một trong những việc quan trọng và cần thiết nhất để hiện thực hóa điều này. Muốn đánh thức con quái vật mang tên Ấn Độ, cần phải nới lỏng sợi xích mang tên Rupee trước.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)