'Tiền nào cũng là tiền, sao tiền lẻ lại bị chối bỏ?'

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 21:01, 08/07/2015

“Em mang tiền 200, 500 đồng thì có mà đem về làm kỷ niệm, tiền này giờ không ai xài nữa đâu. Giờ em có đi hàng quán nào trong chợ thì vậy thôi, tờ 1.000 đồng còn khó xài chứ nói gì đến tờ 500 đồng”
Ngày 18.6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo chi nhánh các tỉnh, thành phố và Sở Giao dịch NHNN ra quy định đẩy mạnh đưa tiền mệnh giá nhỏ vào lưu thông. Cụ thể, NHNN yêu cầu Ngành ngân hàng phải tăng cường đưa các loại tiền mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống ra lưu thông, bao gồm tiền đã qua sử dụng, tiền mới in và phải thường xuyên theo dõi, nắm tình hình lưu thông tiền tệ để chủ động đáp ứng nhu cầu tiền lẻ của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, tiền mệnh giá dưới 1.000 đồng hiện đang bị nhiều cửa hàng, siêu thị, chợ…từ chối khi giao dịch.
Tờ 200 đồng, 500 đồng bị “hắt hủi” 
Theo luật pháp quy định, tiền là phương tiện dùng để trao đổi, mua bán trong cuộc sống hàng ngày. Dù tiền có mệnh giá cao hàng trăm ngàn đồng  hay những đồng tiền lẻ 500 đồng, 200 đồng thì đều có giá trị và phù hợp với nhu cầu mua bán đa dạng của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Một Thế Giới, những năm gần đây, tiền mệnh giá nhỏ như 200 đồng, 500 đồng rất ít được sử dụng trong các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ hằng ngày. Người tiêu dùng khó có thể mua được hàng khi cầm trên tay các tờ tiền có mệnh giá này. Tại các chợ, hàng tạp hóa, siêu thị… tình trạng từ chối nhận tiền 200 đồng, 500 đồng khi khách hàng trả là chuyện “bình thường như cơm bữa”.
“Em mang tiền 200, 500 đồng thì có mà đem về làm kỷ niệm, tiền này giờ không ai xài nữa đâu. Giờ em có đi hàng quán nào trong chợ thì vậy thôi, tờ 1.000 đồng còn khó xài chứ nói gì đến tờ 500 đồng”, một tiểu thương tại chợ Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) nói như vậy khi PV thử cầm tiền mệnh giá 200 đồng và 500 đồng ra chợ mua hàng.
Chị Thanh (quận 9) kể: "Từ lâu trong ví tôi không có tờ 200 đồng hay 500 đồng, nếu thỉnh thoảng đi siêu thị được thối lại thì tôi cũng cất vào góc sau này làm kỷ niệm thôi hoặc cho vào thùng từ thiện, chứ có xài được đâu mà để trong ví chi cho nặng."
Tương tự, chị Nguyễn Hồng Ngọc – ngụ quận Bình Thạnh cho biết “ Thường ngày tôi đi chợ, có bó rau 2.500 đồng mà đưa đúng và đủ số tiền trên thì bị chủ quán mắng vốn. Người bán họ nói thời đại này làm gì có ai cầm tờ 500 đồng đi mua. Ổ bánh mì đã 10.000 đồng rồi thì ai còn xài tiền này. Muốn mua thì mua 5.000/ 2 bó chứ bán lẻ một bó không có tiền thối. 
Nhiều lúc cũng ấm ức, tiền nào cũng là tiền, sao tiền lẻ lại bị chối bỏ ? Nhà nước họ chưa thu hồi, vẫn cho lưu thông thì tại sao mua hàng lại không nhận ? Tiền, dù với mệnh giá nào thì đều có giá trị lưu thông. Người bán hàng không nhận tiền này thì rõ ràng là vô lý và không thể chấp nhận được", chị Ngọc chia sẻ.
Không chỉ giao dịch, mua bán mà tại các bãi giữ xe, việc không nhận tiền có mệnh giá dưới 1.000 đồng vẫn thường xuyên xảy ra.
“ Tien nao cung la tien, sao tien le  lai bi choi bo ?”-hinh-anh-1
"Tiền, dù với mệnh giá nào thì đều có giá trị lưu thông. Người bán hàng không nhận tiền này thì rõ ràng là vô lý và không thể chấp nhận được"  (Ảnh: Phan Diệu)
Trả kẹo thay vì tiền
Hiện nay, nhiều siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi đang áp dụng trả kẹo rời, kẹo cao su cho khách hàng khi các hóa đơn thanh toán dừng ở con số lẻ vài trăm đồng bất chấp việc người mua có thích hay không. Trong tủ đựng tiền tại các quầy thanh toán của nhiều siêu thị luôn để sẵn kẹo để trả cho khách. Đối với nhiều khách hàng, việc nhận kẹo thay vì tiền lẻ cũng đã trở thành một thói quen.
Đơn cử, chị Linh Nhi, nhân viên văn phòng cho một công ty có trụ sở tại quận Tân Bình cho biết : “ Hầu như tuần nào tôi cũng vào siêu thị để mua đồ ăn, khi tiền thối lại có mệnh giá dưới 500 đồng thường được nhân viên siêu thị trả lại bằng kẹo. Giờ tiền mệnh giá nhỏ vậy ít ai dùng lắm, vừa ít giá trị lại vừa chật bóp”.
Theo anh Hưng, nhân viên một siêu thị trên đường Nguyễn Thị Định (quận 2), giá trị bán lẻ của kẹo rời, kẹo cao su hiện cũng lên 1.000 đồng/chiếc nên dần dần tờ tiền 500 đồng tương lai gần sẽ khó sử dụng.
Với một số cửa hàng, nhà sách, thay vì trả kẹo cho khách thì lại bỏ ngay một thùng tiền từ thiện để khách hàng tiện thể có tiền lẻ bỏ vào.
Tuy nhiên, anh Trần Hoàng – một du học sinh cho rằng chỉ có Việt Nam mới có việc tiền lẻ bị “chê” khi giao dịch như vậy.
" Ở nước ngoài tôi thấy dù tiền có mệnh giá nhỏ cỡ nào thì vẫn được lưu thông và không có tình trạng chê tiền lẻ như ở nước mình. Ở nước ngoài mà rẻ rúng tiền là bị kết tội vì tiền là biểu tượng của quốc gia. Ai chê tiền là thiếu văn hóa và không biết tôn trọng sức lao động của người khác. Trong khi đó, ở Việt Nam ai cũng biết, tiền là do ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, có giá trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Như vậy cá nhân, cửa hàng nào không chấp nhận tiền giấy có mệnh giá thấp thì có thể xem là vi phạm pháp luật rồi.
Có thể số tiền này không mua được gì nhưng tiền dù nhỏ đến đâu cũng là mồ hôi nước mắt và không nên bỏ đi. Đừng nghĩ là ít, cứ đóng góp đi, tích tiểu thành đại”, anh Hoàng cho biết thêm.
Mặc dù các chợ, cửa hàng, siêu thị…hiện “chê” những đồng tiền có mệnh giá dưới 1.000 đồng nhưng ít ai biết rằng số tiền này đang thu về một khoản lớn cho “cò chợ đen” chuyên làm dịch vụ đổi tiền lẻ. Trên thị trường, phí đổi tiền lẻ 500 đồng hiện đang cao hơn hẳn những mệnh giá khác. Ngày thường, phí đổi loại tiền này thường là 10.000 đồng đổi lấy 7.000 đồng tờ 500 đồng. Còn vào dịp lễ Tết, chi phí này thường cao gấp đôi, thậm chí 10.000 đồng chỉ đổi được 3.000 đồng tờ 500 đồng.
Phan Diệu

Một Thế Giới