Người Indonesia cảm thấy xấu hổ, còn người Việt Nam thì sao?
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 19:00, 25/03/2016
Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang được xem là điểm đến đầu tư đáng chú ý nhất ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, khi làn sóng đầu tư của giới doanh nghiệp thuộc hầu hết các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đang đổ vào Việt Nam.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm 2015 đạt kỷ lục là trên 22 tỷ USD (sau khi điều chỉnh số liệu lên đến 24,1 tỷ USD), và được đánh giá sẽ còn cao hơn nữa vào năm 2016. Tuy nhiên, một số liệu thống kê mới được công bố gần đây lại chỉ ra điều ngược lại, đó là từ năm 2014 dòng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đã giảm khoảng một nửa và dần chuyển sang Indonesia, một quốc gia trong khu vực có chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh thấp hơn Việt Nam gần 20 bậc. Tổng thống Indonesia là Joko Widodo trong một bài phát biểu gần đây đã coi việc xếp hạng môi trường kinh doanh của nước này ở mức 109/189 là một sự xấu hổ. Còn với thứ hạng 90/189, người Việt Nam nghĩ gì?
“Những nhà đầu tư Nhật Bản rõ ràng không còn chọn Việt Nam nữa”, đó là nhận xét được ông Chris Malone – tổng giám đốc Boston Consulting Group Việt Nam (BCG Việt Nam), đưa ra sau khi công bố những số liệu mà tổ chức của ông đưa ra. Cụ thể, theo số liệu của tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), thì số vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam và Indonesia đều tăng vọt kể từ thời điểm năm 2010.
Tuy nhiên, đến năm 2014 thì tổng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đã giảm mạnh, chỉ còn 41% so với năm 2013; trong khi đó thì vốn FDI Nhật Bản vào Indonesia vẫn tăng mạnh và đều đặn. Nếu so sánh giá trị tuyệt đối, thì con số này có thể lên đến khoảng 1 tỷ USD. Điều này có nghĩa là, một phần lớn trong tổng số 1 tỷ USD vốn đầu tư của Nhật Bản đó đã dịch chuyển từ Việt Nam sang Indonesia.
Dĩ nhiên, các số liệu thống kê của JETRO và BCG Việt Nam tổng hợp được mới chỉ đến hết năm 2014, và xu hướng vốn FDI Nhật Bản dịch chuyển mạnh từ Việt Nam sang Indonesia có thể sẽ không tiếp tục trong năm 2015 – năm mà Việt Nam thu hút được số vốn FDI kỷ lục do hiệu ứng của các hiệp định thương mại như TPP hay FTA EU-Việt Nam vốn là những thứ mà Indonesia không có. Tuy nhiên, ông Chris Malone cho rằng “rõ ràng những con số này cũng nói lên điều gì đó”, vì việc dịch chuyển đầu tư cả tỷ USD rõ ràng không phải chuyện đơn giản, nhất là khi môi trường đầu tư ở Indonesia bị đánh giá là kém thuận lợi hơn Việt Nam khá nhiều.
Cụ thể, theo bản báo cáo môi trường kinh doanh 2016 do Ngân hàng thế giới (WB) thực hiện trên 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, thì Indonesia xếp thứ 109/189 quốc gia, thấp hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực như Singapore xếp thứ nhất, Malaysia xếp thứ 18, Thái Lan xếp thứ 49, còn Việt Nam xếp thứ 90. Đó là chưa kể, chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh của đất nước vạn đảo còn thấp hơn nhiều trong năm 2015 khi chỉ đạt mức 120/189 quốc gia.
Dù cũng đang sở hữu những lợi thế lớn để thu hút đầu tư nước ngoài như giá nhân công rẻ, dân số đông lên tới gần 300 triệu người và một thị trường tiềm năng nhất khu vực Đông Nam Á, thì môi trường đầu tư kém thuận lợi của Indonesia bị đánh giá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc nước này vẫn đang rơi vào xu hướng tụt hậu. Họ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng là 4,8% trong năm 2015 – mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Vậy, lý do gì khiến cho Indonesia có thể qua mặt Việt Nam trong việc khiến dòng vốn FDI Nhật Bản chuyển hướng sang quốc gia này lên tới cả tỷ USD? Lý giải điều này, ông Chris Malone cho rằng: “Indonesia (và cả Thái Lan) đang rất nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư của mình, họ vạch ra được chiến lược phát triển quốc gia rất rõ ràng, và tập trung vào quảng bá hình ảnh quốc gia để thu hút đầu tư”.
Chính vì vậy, dù xếp hạng môi trường kinh doanh của Indonesia vẫn còn khá thấp, thì những động thái và cam kết của Jakarta trong thời gian qua đủ để chứng tỏ thiện chí và tạo được niềm tin với các nhà đầu tư Nhật Bản vốn có tầm nhìn dài hạn chiến lược và nhất là trọng chữ tín. Theo kế hoạch mà tổng thống Indonesia là Joko Widodo và các cộng sự đưa ra, thì quốc gia này đang đặt mục tiêu có thể xếp hạng thứ 40 trên bảng đánh giá môi trường kinh doanh từ vị trí 109 hiện tại, đó là một mục tiêu được đánh giá là tham vọng và phải cần đến một sự nỗ lực rất lớn.
Điều đáng được nhắc đến nhất trong câu chuyện này chính là thái độ tích cực của người Indonesia. Phát biểu về việc Indonesia chỉ đạt mức xếp hạng môi trường kinh doanh 109/189 và thấp hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực, tổng thống Joko Widodo tuyên bố: “Tôi xin phép được nhắc lại một lần nữa: chúng ta chỉ đứng thứ 109. Điều này thật đáng xấu hổ”. Indonesia đang là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, và vẫn đang là một địa điểm thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất khu vực, và trong tương lai được xem là đối thủ của hai gã khổng lồ khác ở châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ.
Nhưng bài phát biểu nổi tiếng của tổng thống Widodo đang cho thấy một thực tế là, người Indonesia không có ý định tự hài lòng với những gì đang có. Các cải cách mạnh mẽ về thủ tục đầu tư nước ngoài, và thông qua một cửa đang diễn ra với tần suất lớn chưa từng có ở Indonesia, mà điển hình là chương trình cấp giấy phép đầu tư chỉ trong 3 tiếng đồng hồ, một kết quả được xem là thành tựu cải cách hành chính lớn của đất nước vạn đảo.
Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có nhiều lợi thế hơn Indonesia trong vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng phần lớn trong số đó là tác động của những hiệp định thương mại quan trọng mà Việt Nam vừa ký kết mà Indonesia không có, chứ không đến từ những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Theo bảng đánh giá xếp hạng của WB, Việt Nam hiện cũng đang đứng thứ 90/189, tức là cũng nằm trong nhóm có môi trường đầu tư kinh doanh kém thuận lợi, và cũng chỉ hơn Indonesia gần 20 bậc mà thôi. So với các nước lân cận như Malaysia xếp thứ 18 hay Thái Lan xếp thứ 49 thì khoảng cách vẫn còn rất xa. Nhưng, đến thời điểm này thì dường như vẫn chưa thấy ai tuyên bố đó là một sự xấu hổ như ông Joko Widodo đã làm ở Indonesia.
Như các trường hợp của Singapore hay là cả Trung Quốc đã chỉ ra, về lâu dài chính môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi mới là yếu tố quyết định để duy trì sự ổn định và thịnh vượng cho một nền kinh tế. Không phải ngẫu nhiên mà Singapore luôn đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu về môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, và nền kinh tế của đảo quốc này luôn ổn định. Còn trường hợp của Trung Quốc đã chỉ ra rằng một quốc gia dù có nhiều lợi thế về kinh tế đến đâu chăng nữa, mà môi trường kinh doanh kém thuận lợi, thì nền kinh tế sẽ thiếu ổn định ngay khi các lợi thế kia chấm dứt.
Các lợi thế mà Việt Nam đang có như nhân công giá rẻ, dân số đang trong độ tuổi vàng, và nhất là các hiệp định thương mại quan trọng, vv…vv tất cả những lợi thế đó rồi cũng sẽ kết thúc. Chỉ có một môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi mới là yếu tố duy trì sự ổn định kinh tế về lâu dài, vì nó không chỉ là thứ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhất, mà còn là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước hoạt động hiệu quả.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Cafebiz)
Một Thế Giới