Cơ hội tốt để Việt Nam đầu tư tại Lào

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 10:27, 23/03/2016

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cung cấp trong cuộc họp báo ngày 22.3, tính đến nay, tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào là gần 5 tỉ USD và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp báo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 22.3. Đây là cuộc họp thông tin cho Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào 2016 sẽ diễn ra vào ngày 26, 27 tháng 3 tới đây tại thành phố Đà Nẵng. Hội nghị sẽ do Bộ KH&ĐT Việt Nam phối hợp với Bộ KH&ĐT Lào cùng với các Bộ, ngành liên quan của hai nước và Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) tổ chức.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến nay, tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào là 4,9 tỉ USD. Theo đó, Lào hiện đứng thứ nhất trong tổng số 68 quốc gia mà doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Đồng thời, Việt Nam đứng thứ 2 (sau Trung Quốc với khoảng 9 tỉ USD) trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào...

Các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư vào Lào trên các lĩnh vực như: lâm nghiệp khoảng hơn 1 tỉ USD, dịch vụ khoảng 1,9 tỉ USD, các dự án nông sản, khai khoáng…  

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), đến nay, nhiều dự án của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã đi vào hoạt động và đạt hiệu quả tốt, đóng góp nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của Lào và được Chính phủ Lào đánh giá cao.

Điển hình như các dự án đầu tư của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Lào; các chi nhánh, ngân hàng con, ngân hàng liên doanh của Việt Nam tại Lào; dự án viễn thông của Tập đoàn Viettel; các dự án xây dựng hệ thống phân phối xăng dầu của Tổng công ty Dầu Việt Nam và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; dự án tổ hợp sân golf và khách sạn, nhà ở với tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD của Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành…

Các dự án đầu tư hiện tại của doanh nghiệp Việt Nam đã tạo nền tảng, cơ sở cho việc thành lập các ngành công nghiệp trong tương lai của Lào như khai thác và chế biến cao su; sản xuất đường, phân vi sinh, thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản…

Đồng thời, các dự án của doanh nghiệp Việt Nam tạo việc làm cho khoảng 40.000 lao động Lào, giúp nâng cao năng lực lao động, tạo thu nhập, cải thiện đời sống người lao động, bổ sung nguồn thu cho ngân sách Nhà nước Lào.

Về khó khăn, một số dự án của Việt Nam tại Lào thực hiện với tiến độ chậm, một số quy định pháp luật còn chồng chéo, hướng dẫn thực thi giữa các địa phương chưa thống nhất, doanh nghiệp Việt Nam chưa thích nghi tốt với môi  trường kinh doanh, khí hậu địa hình…

Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào là hội nghị quy mô cấp quốc gia, với sự chủ trì của lãnh đạo chính phủ hai nước, cùng khoảng 500 đại biểu là đại diện các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai bên.

Hội nghị sẽ dành thời gian để tập trung vào nội dung có định hướng hợp tác đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn mà phía Lào ưu tiên thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới; cùng các chính sách ưu đãi riêng, hỗ trợ của chính phủ Lào cho các nhà đầu tư Việt Nam khi đầu tư, kinh doanh tại Lào.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận các dự án đầu tư mới tại Lào, tăng cường kết nối và thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch, giao thông... trong thời gian tới.

Trí Lâm

Một Thế Giới