Doanh nghiệp rượu bia than khó bởi cách tính thuế mới
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 06:06, 17/03/2016
Một số quy định về giá tính thuế và cách tính thuế cần điều chỉnh cho phù hợp để doanh nghiệp tránh gặp rủi ro khi kê khai và nộp thuế. Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc tọa đàm về việc triển khai thực hiện Nghị định 108/2015/NĐ – CP và Thông tư 195/2015/TT-BTC được tổ chức ngày 16.3.
Nghị định 108/2015/NĐ-CP ngày 28.10.2015 của Chính phủ và Thông tư 195/2015/TT-BTC ngày 24.11.2015 của Bộ Tài chính có quy định mới thay đổi cơ bản về giá tính thuế đối với hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước (có hiệu lực ngày 1.1.2016). Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp đã gửi công văn đến Hiệp hội Bia – rượu- nước giải khát (VBA) kiến nghị nên lùi thời gian thực hiện Nghị định đến 1.1.2017 để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp rượu bia cho rằng một số quy định mới chưa rõ ràng về giá tính thuế và cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), các cơ quan thuế cần làm rõ và có hướng dẫn cụ thể. Việc thực hiện Nghị định và Thông tư trùng với thời điểm tăng thuế suất thuế TTĐB lên 5% đã khiến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu bia thêm khó khăn.
Phát biểu ý kiến tại tọa đàm, đại diện của nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu bia đều đưa ra kiến nghị rằng nên lùi thời gian thực hiện Nghị định và Thông tư để họ có thời gian tìm hiểu, chuẩn bị và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, để thực hiện chính sách một cách tốt nhất.
Một số quy định về giá tính thuế và cách tính thuế cần điều chỉnh cho phù hợp vì giá tính thuế của các công ty thương mại còn phụ thuộc vào vùng miền, thời điểm khác nhau nên giá bán khác nhau, doanh nghiệp gặp rủi ro khi kê khai và nộp thuế. Cần xem xét lại quy định về cách tính thuế TTĐB đối với các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và phù hợp với các quy định của pháp luật.
Ông Lê Hồng Xanh thành viên HĐQT Tổng công ty Bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nhận định việc áp dụng đồng thời 2 quy định trên sẽ khiến cho công ty mỗi năm phải đóng thêm cả nghìn tỉ đồng, kéo theo mức lợi nhuận giảm. Hoặc có thể phải nâng giá bia lên để không bị lỗ và đạt được mục tiêu lợi nhuận.
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – rượu- nước giải khát (VBA) tính toán với mức tăng thuế 5% trong năm 2016, giá bia sẽ tăng tương ứng 5%, chưa kể khoảng 3% nữa do chi phí chênh lên. Do việc tăng giá sẽ ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ nên lãnh đạo các doanh nghiệp này đều cho rằng nhà sản xuất không thể tăng cao như ý muốn.
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế của VCCI nhận định rằng chính sách khi ban hành cần phải tạo ra môi trường tốt cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phải có thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị, việc quy định trên có hiệu lực ngay từ 1.1.2016 là quá gấp. Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan nên cân nhắc để điều chỉnh cho phù hợp vì sự phát triển bền vững của ngành đồ uống.
Tại tọa đàm, một số chuyên gia kế toán và thuế cũng đánh giá sau hơn 2 tháng thực hiện Nghị định và Thông tư, các doanh nghiệp cần tổng kết, đánh giá và kiến nghị những khó khăn vướng mắc một cách cụ thể, từ đó gửi công văn kiến nghị lên Bộ Tài chính để xem xét điều chỉnh cho phù hợp. Những kiến nghị này cũng cần gửi tới các đại biểu quốc hội để họ xem xét trước khi thông qua Luật Thuế TTĐB sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp lần thứ 11 Quốc hội khóa 13 sắp tới sao cho phù hợp với thực tế.
Năm 2014, Nghị định 94/NĐ-CP quy định về dán tem rượu cũng đã được Chính phủ đồng ý cho lùi thời gian thực hiện sau khi các doanh nghiệp, hiệp hội có ý kiến về khó khăn trong việc cung ứng tem rượu.
Tuyết Nhung