VCCI gửi 95 tỉ đồng ngân sách vào ngân hàng rồi... quên tính lãi
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 21:10, 11/07/2014
Theo thông báo mới nhất của Thanh tra Chính phủ thì tổng số tiền mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phải nộp lại cho ngân sách nhà nước là hơn 121 tỉ đồng.
VOV Online tối 11.7 có tin Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng vừa ký Thông báo số 1575/TB-TTCP kết luận Thanh tra tại VCCI.
Có 4 nội dung cơ quan thanh tra đã thực hiện tại VCCI, gồm việc chi tiếp khách 2009-2011, việc sử dụng thu chi số tiền hơn 10 tỉ đồng sau Hội nghị APEC 2006, việc huy động tiền tài trợ cho Hội nghị ASEAN BIS 2010 và việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc.
Vi phạm nhiều quy định trong Luật NSNN
Cụ thể, về nội dung chi tiếp khách do ban tài chính làm đầu mối thanh toán giai đoạn 2009-2011, cơ quan thanh tra phát hiện trong số 499 hóa đơn giá trị gia tăng được dùng làm chứng từ thanh toán, có 147 hóa đơn (trị giá hơn 478 triệu đồng) chưa xác định đơn vị nào bổ sung thông tin gồm tên, địa chỉ, mã số thuế. Việc này vi phạm nghị định 89 của Chính phủ về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn.
Đối với nội dung sử dụng tiền chênh lệch thu chi sau Hội nghị APEC 2006, theo kết luận thanh tra, số tiền gốc chênh lệch thu, chi từ Hội nghị APEC 2006 thực tế là 9.427.368.978 đồng có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (NSNN), vì vậy phải được quản lý, sử dụng theo Luật NSNN. VCCI đã chủ động gửi có kỳ hạn số tiền trên vào các ngân hàng trong thời gian nhất định để sinh lãi.
Việc VCCI rút tiền trong các năm 2008, 2009, 2010 sử dụng chung cho các hoạt động của VCCI khi chưa được phép của các cơ quan quản lý đã vi phạm Khoản 2, Điều 28 Luật NSNN (quản lý, sử dụng đúng mục đích, chế độ, tiết kiệm, có hiệu quả) và Khoản 3 Điều 51 Nghị định số 60/2003/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật NSNN (chỉ được sử dụng khi thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách quyết định chi).
Ngoài ra, cơ quan thanh tra cũng phát hiện số tiền trên sau khi gửi ngân hàng đã có 135 ngày chưa được VCCI tính lãi, với số tiền lãi xác định là hơn 91 triệu đồng.
Kết luận thanh tra cũng nêu, qua kiểm tra việc sử dụng kinh phí của dự án Chương trình nâng cao kỹ năng Quản trị kinh doanh quốc tế, vận dụng kinh nghiệm các nước trong khu vực APEC, có 5 hóa đơn với giá trị 35.781.000 đồng được xác định là không đúng quy định, cần phải truy thu về NSNN.
Một số hợp đồng kinh tế về cung cấp hàng hóa, mua sắm cũng không được VCCI chào giá cạnh tranh để lựa chọn đối tác.
Đặc biệt, đối với nội dung xây dựng trụ sở làm việc, cơ quan thanh tra phát hiện VCCI với tư cách là chủ đầu tư đã không thẩm định dự án trước khi phê duyệt, không tổ chức thẩm định bản vẽ thiết kế thi công.
VCCI đã để cho một doanh nghiệp hợp tác đầu tư là Công ty TNHH Saturn tự quyết định điều chỉnh dự toán công trình. Thậm chí, Công ty Saturn còn được VCCI “cho phép” tự đứng ra ký hợp đồng với các nhà thầu, ký hồ sơ thiết kế dự án, tổng dự toán với vai trò là chủ đầu tư.
Yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm
Thanh tra Chính phủ yêu cầu VCCI chấn chỉnh lề lối làm việc theo đúng Quy chế làm việc, quy định rõ trách nhiệm của người được phân công ghi chép đầy đủ, kịp thời nội dung các cuộc họp định kỳ và đột xuất của lãnh đạo VCCI.
Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu VCCI chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, chi tiếp khách, mua sắm hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính và các luật liên quan.
Đồng thời, VCCI phải nộp vào NSNN số tiền 127.106.161 đồng (gồm 35.781.000 đồng tiền thanh toán các hóa đơn không đúng khi thực hiện dự án Chương trình nâng cao kỹ năng Quản trị kinh doanh quốc tế - vận dụng kinh nghiệm các nước trong khu vực và 91.325.161 đồng tiền lãi gửi còn thiếu khi sử dụng tiền Hội nghị APEC 2006).
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan này tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc quản lý, điều hành của Chủ tịch VCCI, các phó chủ tịch phụ trách, có biện pháp kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo Thanh tra Chính phủ, hiện Thủ tướng đã đồng ý với những kết luận của cơ quan thanh tra và đã có văn bản chỉ đạo khắc phục, xử lý các sai phạm.
Vì sao VCCI bị thanh tra đột xuất?
Trước đó, vào ngày 12.7.2013, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định bắt đầu cuộc thanh tra kéo dài 40 ngày tại VCCI. Thời kỳ thanh tra được xác định từ năm 2006 đến năm 2012. Đây là cuộc thanh tra đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
VnMedia ngày 13.7.2013 có bài viết nói rằng theo nhiều nguồn tin, đã có nhiều đơn khiếu nại, tố cáo gửi tới các cơ quan chức năng nêu rõ dấu hiệu sai phạm về nguyên tắc tổ chức cán bộ, nguyên tắc tài chính, có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực diễn ra trong thời gian dài tại VCCI.
Một số sai phạm đã được từng được báo chí nêu ra, trong đó có việc ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch VCCI và Đảng đoàn VCCI đã vi phạm quy trình bổ nhiệm cán bộ. Vụ việc này đã được cơ quan cấp trên đã xác định rõ sai phạm này và đã yêu cầu VCCI phải sửa chữa khắc phục ngay, nhưng đã mấy năm nay, sự việc vẫn không có biến chuyển.
Ngoài ra, trong quản lý kinh tế, quản lý tài sản cơ quan, chi tiêu tài chính, cá nhân ông Vũ Tiến Lộc và bộ phận tài chính đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc, số tiền sai phạm hàng tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng tiền tiếp khách gần 1 tỉ đồng đã bị sử dụng tùy tiện, chi tiêu không rõ ràng, chứng từ thanh toán không theo đúng quy định về tài chính kế toán, đã không được làm rõ và xử lý, thu hồi theo các quy định hiện hành…
Thi Anh tổng hợp