Áp dụng biện pháp chống bán phá giá: Thép hút hàng, tăng giá mạnh
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 14:19, 15/03/2016
Thời gian gần đây, dù nguồn cung thép dồi dào, thế nhưng trên thị trường lại xuất hiện tình trạng găm hàng và tăng giá khá mạnh. Giá thép tăng cũng kéo theo sự tăng vọt cổ phiếu ngành thép.
Thép tăng giá, xuất hiện tình trạng găm hàng
Những ngày gần đây, tại khu công nghiệp thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều xe tải xếp hàng dài bên ngoài nhà máy của các doanh nghiệp thép như Pomina), Vinakyoei và Tập đoàn Hoa Sen. Thậm chí, một số lái xe phải chờ 1-2 ngày để có thể thu mua thép do một số đại lý kinh doanh thép cho rằng giá bán bình quân một số sản phẩm thép sẽ bắt đầu tăng.
Mặc dù giá thép tăng vọt những ngày gần đây, thế nhưng trong 3 năm qua, giá thép trong nước đã giảm 39% từ mức đỉnh điểm chu kỳ là 14,4 triệu/tấn vào tháng 4.2013 xuống còn 8,8 triệu đồng/tấn vào tháng 2 năm nay. Hiện tại, giá thép chỉ tăng lên khoảng 8,9-9 triệu đồng/tấn.
Nguyên nhân khiến thị trường thép xảy ra hiện tượng bất thường trên là do Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, mặc dù thị trường thép trong nước giữ được đà tăng trưởng tốt, thế nhưng ngành thép trong nước tiếp tục phải đối mặt với lượng thép nhập khẩu ồ ạt từ nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc với giá rẻ.
Do đó, ngày 3.3, Bộ Công Thương đã ban quyết định số 818/QĐ-BCT điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Sau đó, ngày 7.3, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành quyết định 862/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài. Theo đó, mức thuế đối với phôi thép tăng từ 10% lên mức 23,3%, thép dài (thép cuộn và thanh) đang chịu thuế nhập khẩu 0%-5% tăng lên 14,2% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung.
Áp thuế để hỗ trợ ngành thép
Chính sách này được đánh giá là có lợi cho doanh nghiệp thép trong nước và làm tăng giá thép nhập khẩu, cho nên khiến giá mặt hàng này biến động mạnh trong vài ngày qua. Hiệp hội thép Việt Nam dự báo, giá thép sẽ còn tăng bởi đến ngày 22.3 khi thuế suất tự vệ tạm thời mới có hiệu lực.
Sau quyết định tăng thuế của Bộ Công Thương, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đã có công văn khuyến nghị các doanh nghiệp thành viên trong VSA cần có kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp lý, giữ giá bán hợp lý, ổn định thị phần mỗi doanh nghiệp, ổn định thị trường.
VSA khẳng định việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài của Bộ Công Thương là biện pháp hữu hiệu theo thông lệ quốc tế nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm thép vào Việt Nam. Đây còn là cơ hội để từng bước đầu tư xây dựng và phát triển ngành thép đồng bộ, khép kín và để Việt Nam có một ngành thép vững mạnh thật thụ chứ không phải ngành thép đi gia công.
Hiệp hội Thép Việt Nam cũng nhận định, giá thép nội địa Trung Quốc đã hỗ trợ đà tăng của thị trường toàn cầu.
Nhờ giá thép nhích lên nên sản lượng của các doanh nghiệp thành viên trong tháng 2.2016, đạt 1.168.760 tấn, tăng 69,2% so với cùng kỳ năm 2015. Bán hàng sản phẩm thép các loại tháng 2.2016 đạt 918.995 tấn, tăng hơn 70% so với cùng kỳ 2015. Xuất khẩu sản phẩm thép các loại đạt 178.365 tấn, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Phan Diệu