Singapore rót 36 tỉ USD đầu tư vào Việt Nam
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:24, 13/03/2016
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, tính riêng 2 tháng đầu năm 2016, Singapore có tới 30 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 435 triệu USD và 6 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm đạt 33,8 triệu USD.
Theo đó, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của Singapore trong 2 tháng đầu năm 2016 đạt gần 469 triệu USD.
Tính lũy kế đến 20.2.2016, các nhà đầu tư Singapore có 1.569 dự án đầu tư vào Việt Nam còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 36 tỉ USD và xếp thứ 3/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Những số liệu thống kê này cho thấy quy mô vốn bình quân một dự án của Singapore khoảng 23 triệu USD, cao hơn so với mức bình quân chung một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 13,96 triệu USD/dự án.
Như vậy, tính riêng 2 tháng đầu năm 2016, Singapore đang dẫn đầu về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Báo cáo cho thấy, các nhà đầu tư Singapore khi đầu tư vào Việt Nam đa số lựa chọn hình thức 100% vốn nước ngoài. Hiện nay hình thức đầu tư này có 1.163 dự án và 23,4 tỉ USD (chiếm 74% tổng số dự án và 65% tổng vốn đăng ký của Singapore tại Việt Nam). Còn lại là theo hình thức liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Về lĩnh vực đầu tư, các dự án của Singapore chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 481 dự án và 15,6 tỉ USD vốn đầu tư (chiếm 30,65% tổng số dự án và 43,47% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam).
Đứng thứ hai là lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 80 dự án và 10,8 tỉ USD vốn đầu tư (chiếm 5% tổng số dự án và 29,95% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam).
Các ngành nghệ thuật vui chơi giải trí, xây dựng, vận tải cũng đều có vốn đầu tư lớn. Ví dụ như các ngành nghệ thuật thu hút 1,8 tỉ USD, xây dựng 1,7 tỉ USD và vận tải kho bãi là 1,4 tỉ USD.
Thống kê cũng cho thấy, TP.HCM là địa phương thu hút được nhiều nhất dự án của Singapore với 786 dự án và 9,6 tỉ USD, chiếm 50% tổng số dự án và 26,71% tổng số vốn đăng ký của Singapore tại Việt Nam.
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục có các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp dựa trên 3 trụ cột: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, chi phí thuê đất...
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả thu hút FDI trong năm 2016 và những năm tới, xu hướng thu hút FDI sẽ hướng đến chuyển giao công nghệ nguồn, sản xuất ở chuỗi giá trị cao hơn… để áp dụng vào thực tế Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tiếp tục vận động các doanh nghiệp trong nước kết nối với các doanh nghiệp FDI, hướng đến chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra giá trị sản phẩm cao hơn.
Hoàng Long