Khó khăn ngân sách đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 11:59, 10/03/2016
Tuy nhiên, theo một khía cạnh khác có phần ít lạc quan hơn, thì 2016 lại là một năm sẽ mang đến đầy khó khăn khi mà nền kinh tế sẽ có sự xáo động lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây dò các hiệp định thương mại lớn đem lại, đồng thời cũng là lúc các vấn đề của nền kinh tế tích tụ trong nhiều năm cũng sẽ bùng phát trong thời điểm này. Tính đến thời điểm này, các lợi ích mà Việt Nam có thể nhận được vẫn chưa thấy đâu, còn các vấn đề khó khăn thì đã dần hiện diện, mà một trong số đó là những khó khăn của ngân sách quốc gia, và nó đang tác động trực tiếp đến nền kinh tế và các doanh nghiệp trong nước.
Nếu nhìn nhận một cách bớt lạc quan hơn và bao quát hơn một chút về nền kinh tế Việt Nam 2016, thì chúng ta sẽ thấy bức tranh chủ đạo vẫn đang là một màu xám khá ảm đạm. Các lợi ích mà những hiệp định thương mại như TPP hay các FTA lớn với EU và Hàn Quốc là có thực, thông qua con số tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm 2015 và đầu năm 2016 đã tăng vọt đạt mức kỷ lục, nhưng để đến khi những con số đầu tư kỷ lục này ra hoa kết quả cũng là cả một thời gian không phải ít. Trong khi đó, các vấn đề khó khăn mà nền kinh tế gặp phải do sự xáo trộn lớn về cơ cấu nền kinh tế (do các hiệp định thương mại, chẳng hạn như lượng vốn FDI đổ vào quá nhiều) thì các vấn đề tích tụ trong nhiều năm qua giờ mới bắt đầu bùng phát. Mà điển hình là những sức ép nặng nề đối với ngân sách quốc gia.
Các chỉ số vĩ mô của ngân sách Việt Nam ở thời điểm hiện tại đang cho thấy vấn đề đang trầm trọng đến mức nào. Theo báo cáo của Chính phủ ngày 7.3.2016 về tình hình chi ngân sách quốc gia, thì hiện tại tỷ lệ bội chi ngân sách trong năm 2015 lên tới 6,1%, dư nợ công đến cuối năm 2015 lên đến 62,2% GDP, nợ chính phủ là 50,3%, nợ nước ngoài của quốc gia là 43,1%. Tất cả các con số thống kê này đều rất đáng lo ngại trong bối cảnh hiện tại. Đầu tiên là tỷ lệ bội chi ngân sách, tỷ lệ này trong năm 2015 lên đến 6,1%, vượt quá mức Quốc hội cho phép là 4,5%; trong 5 năm gần nhất chỉ có duy nhất năm 2011 tỷ lệ này đạt mức 4,4%, còn lại đều vượt trần cho phép (năm 2012 là 5,36%, năm 2013 là 6,6%, năm 2014 là 5,69% và năm 2016 là 6,1%).
Hai chỉ số vĩ mô còn lại của ngân sách là dư nợ công và nợ chính phủ cũng rất đáng lo ngại. Trong đó, nợ chính phủ đã chính thức vượt mức giới hạn cho phép là 50% GDP khi đã lên tới 50,3%; còn dư nợ công thì cũng đã lên tới 62,2% sắp chạm mức kịch trần cho phép là 65% GDP. Theo tính toán của Chính phủ và Bộ Tài chính, dư nợ công đến hết năm 2016 dự kiến sẽ lên đến trên 64% GDP trước khi giảm dần và trở lại mức trên dưới 60% trong các năm tiếp theo. Tuy nhiên, với mức độ gia tăng nợ công rất nhanh trong vòng 5 năm trở lại đây, thì quả thực là rất khó để có thể hãm lại được đà tăng nợ công sau năm 2016 mà vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao đã đặt ra là từ 6,5-7%/năm.
Điều tương tự cũng diễn ra trong chi trả nợ gốc, con số mà NSNN chi trả trong năm 2015 lên tới 65.060 tỉ đồng, trong năm 2014 là 50.691 tỉ đồng, trong năm 2013 là 55.570 tỉ đồng. Quy mô đảo nợ cũng đang ngày càng lớn hơn, tới năm 2013 thì khối lượng nợ gốc phải đảo nợ là 70.200 tỉ đồng, thì đến năm 2014 đã tăng lên 77.000 tỉ đồng.
Dù Việt Nam ở thời điểm hiện tại không phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thanh toán nợ, do phần lớn khối lượng nợ công là thuộc diện được huy động từ thị trường trong nước, nhưng nó đang gây ra một sức ép rất lớn đối với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Trước hết, mức chi trả lãi và nợ gốc hằng năm đang ngày càng lớn và lạm vào ngân sách dành cho đầu tư phát triển khiến cho nguồn vốn dành cho đầu tư vào nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặt khác, việc liên tục phải phát hành trái phiếu mà phần lớn là kỳ hạn ngắn cũng đang khiến số nợ gốc phải trả tăng lên.
Tình trạng chậm hoàn thuế đang khiến khá nhiều doanh nghiệp lao đao, do số tiền hoàn thuế quá lớn so với quy mô tài chính của doanh nghiệp, từ hàng chục đến hơn trăm tỉ đồng. Nó đang gây ra tình trạng hy hữu là các doanh nghiệp buộc phải đi vay tiền với lãi suất cao để tiếp tục hoạt động vì không có tiền do hoàn thuế quá chậm. Theo đánh giá từ một số chủ doanh nghiệp, thì việc chậm hoàn thuế với con số lớn và thời gian kéo dài như hiện nay có tác động xấu tới doanh nghiệp hơn nhiều so với việc tăng thuế thu nhập doanh nghiệp hay lãi suất cao, vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng hoạt động sản xuất và tồn tại của doanh nghiệp, thậm chí có thể đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF)