Việt Nam cần điều chỉnh lại cơ cấu nền kinh tế trước khi quá muộn

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 17:08, 05/03/2016

Có thể nói rằng, khoảng thời gian 2 tháng đầu năm 2016 vừa qua là một trong những thời điểm mà nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều động thái nổi bật nhất trong vòng vài năm trở lại đây. 

Được nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 làm bệ đỡ, hàng loạt các động thái mang tính cải tổ đã được đưa ra trong hàng loạt các lĩnh vực chủ chốt. Đó là điều hết sức cần thiết khi mà 2016 cũng là thời điểm mà Việt Nam bắt đầu hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, có những vấn đề dài hơi hơn mà chúng ta cũng bắt buộc phải quan tâm ngay từ thời điểm hiện tại, để bắt đầu có sự điều chỉnh dần dần một cách hợp lý. Một trong số đó là cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam hiện tại, vẫn chưa thực sự vững vàng ở hiện tại, và có thể lung lay trong tương lai. Đã đến lúc, chúng ta cần đánh giá lại một cách chính xác vai trò của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với nền kinh tế Việt Nam hiện tại và trong tương lai.

Thời gian vừa qua, đã có khá nhiều những quan điểm được đưa ra về khối doanh nghiệp FDI trong nền kinh tế Việt Nam. Dù đã có những ý kiến cho rằng chúng ta đang quá ưu ái bộ phận này của nền kinh tế thông qua các ưu đãi về thuế, đất đai và thủ tục hành chính so với một số bộ phận chủ lực khác như khối doanh nghiệp tư nhân, nhưng ở thời điểm hiện tại vẫn phải thừa nhận rằng khu vực FDI đang giữ một vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. 
Nếu như không có khu vực FDI hoặc khu vực FDI yếu ớt hơn thì có lẽ Việt Nam đã không thể có được tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định trong vài năm trở lại đây, sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2007-2011. Khu vực FDI với vốn đầu tư lớn, công nghệ và khả năng quản lý hiệu quả đang dần trở thành bộ phận quan trọng nhất trong nền kinh tế, chiếm tới hơn 70% tỷ trọng xuất khẩu của cả nước trong năm 2015 và là bộ phận có mức xuất siêu lớn nhất trong cả nền kinh tế.
Cùng với các hiệp định thương mại lớn mà Việt Nam đã ký kết và chuẩn bị đi vào hoạt động như TPP, hay các FTA lớn với EU, Hàn Quốc thì khu vực FDI được dự báo sẽ còn tăng trưởng nhanh hơn nữa cả về số lượng lẫn chất lượng và quy mô do các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đổ bộ vào Việt Nam để đón đầu các hiệp định thương mại đó. Con số thống kê mới nhất về tổng số vốn FDI đổ vào nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015 đã không dừng lại ở con số được xem là kỷ lục trước đó là hơn 22 tỉ USD, mà đã xác lập một kỷ lục mới là trên 24 tỉ USD. Con số vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong năm 2016 được dự báo sẽ còn cao hơn năm 2015 khá nhiều. 
Cụ thể, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng đầu năm, tính đến ngày 20.2.2016 thì đã có 291 dự án FDI được cấp phép mới với tổng số vốn lên tới 1,9 tỉ USD, tăng 96,6% về số dự án và tăng 167,5% về số vốn so với cùng kỳ 2015. Đồng thời, có thêm 137 dự án FDI xin phép được nâng mức vốn đầu tư với tổng giá trị lên tới 898,3 triệu USD. Tổng cộng, tổng mức vốn đầu tư của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt trên 2,8 tỉ USD, tăng 135% so với cùng kỳ năm trước. Nếu không có gì bất ngờ, thì tổng mức vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong cả năm 2016 có thể lên tới khoảng 26-27 tỉ USD.

Việc khu vực FDI đẩy mạnh tăng trưởng cả về lượng, chất lẫn quy mô tất yếu sẽ đem lại nhiều lợi ích lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Trước hết nó sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh, cùng với đó sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế thông qua tuyển dụng lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, ngoài ra nó cũng sẽ thúc đẩy quá trình đô thị hóa, nâng cao thu nhập của người dân và từ đó nâng cao tiềm lực của thị trường nội địa và tiêu dùng trong nước. Theo tính toán, cơ cấu dân số vàng của Việt Nam sẽ còn kéo dài khoảng 15 năm nữa, và sự đóng góp của FDI đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển của đất nước trong khoảng thời gian này gần như sẽ không gì so sánh nổi.

Tuy nhiên, vẫn có những điều mà Việt Nam cần phải lưu ý và cẩn trọng trong vấn đề này. Dĩ nhiên Việt Nam vẫn cần phải thu hút đầu tư FDI càng nhiều càng tốt trong giai đoạn sắp tới, bất kể một số vấn đề cố hữu của khu vực kinh tế này, như thâm dụng lao động ở công đoạn gia công, giá trị gia tăng thực sự không lớn, phần lớn lãi được chuyển về nước thay vì tái đầu tư, và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vấn đề đáng chú ý nhất và quan trọng nhất hiện nay là tỷ trọng và cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đang có sự dịch chuyển lớn chưa từng thấy, trong đó khu vực FDI dần chiếm thế chủ đạo. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2015 thì khu vực FDI đã chiếm tới hơn 70% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, và chắc chắn sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới khi mà nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam đang nhiều hơn bao giờ hết.

Không chỉ chiếm một tỷ trọng áp đảo trong xuất khẩu, mà ngay cả những mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhất và đem lại nhiều giá trị nhất cho Việt Nam hiện nay cũng đang nằm trong tay các doanh nghiệp FDI. Tính đến hết tháng 2.2016 thì tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của khối FDI là 9 tỉ USD, chiếm 67% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, các mặt hàng có giá trị lớn trên 1 tỉ USD và các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận sự áp đảo hoàn toàn của khối FDI. 
Cụ thể, mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất là điện thoại và linh kiện thì khối FDI đạt 2,256 tỉ USD, chiếm 99,4% trị giá xuất khẩu mặt hàng này. Điều tương tự cũng diễn ra trong các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực như máy tính và linh kiện, đạt 1,222 tỉ USD và chiếm gần 98% trị giá xuất khẩu; giày dép đạt 888 triệu USD chiếm 75,3%; máy móc thiết bị đạt 645 triệu USD chiếm 88,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng 498 triệu USD chiếm 94,8%.
Điều đáng nói là, theo ông Bruno Angelet, đại sứ-trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, thì ở thời điểm hiện tại Việt Nam đang là nước phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu khi đóng góp tới 83% GDP. Điều này chắc chắn sẽ còn tiếp tục diễn ra trong ít nhất là hơn 20 năm tới, khi mà Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện để chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng nội địa do thu nhập GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn khá thấp, theo dự kiến đến năm 2035 mới đạt 7.000 USD/người (tính theo sức mua tương đương là 18.000 USD). 
Việc Việt Nam vẫn phải dựa vào xuất khẩu làm động lực tăng trưởng trong vòng ít nhất là 20 năm tới, trong khi cơ cấu dân số vàng và đi kèm với đó là thời gian khu vực FDI ở Việt Nam vẫn còn thịnh vượng chỉ là khoảng 15 năm. Điều này có nghĩa là Việt Nam có thể sẽ rơi vào tình trạng cơ cấu nền kinh tế mất cân bằng nghiêm trọng trong tương lai khoảng 10-15 năm tới, khi mà khối FDI có sự dịch chuyển khỏi Việt Nam và chuyển sang các quốc gia khác, trong khi khối này lại chiếm tỷ lệ áp đảo trong lĩnh vực xuất khẩu vốn là động lực chính của tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Điều này không có nghĩa là ở thời điểm hiện tại chúng ta ngưng tiếp nhận nguồn vốn đầu tư FDI đang đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn, vì nó đồng nghĩa với việc tự mình trói buộc khả năng tăng trưởng kinh tế của đất nước. Mà điều cần làm là đa dạng hóa các bộ phận của nền kinh tế bằng cách thúc đẩy các khu vực kinh tế khác phát triển, như doanh nghiệp tư nhân và nhất là các startup vốn được xem là hình mẫu cho nền kinh tế trong tương lai. 
Khi các bộ phận này của nền kinh tế phát triển mạnh đi kèm với một khu vực FDI hùng mạnh, thì nền kinh tế Việt Nam sẽ mạnh hơn gấp đôi, mà cũng hạn chế được rủi ro trong tương lai khi khu vực FDI dần dịch chuyển khỏi thị trường Việt Nam. Đó là cơ cấu bền vững và hiệu quả mà Việt Nam cần hướng đến trong tương lai và đặt nền móng ngay ở thời điểm hiện tại.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, The Saigon Times)


Một Thế Giới