Phía sau câu chuyện làm được 10 đồng, thuế ăn 4 đồng
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 10:57, 02/03/2016
Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của người dân, các kênh báo chí và nhất là cộng đồng doanh nghiệp nội địa Việt Nam trong tuần qua là câu chuyện gánh nặng thuế phí, khi lần đầu tiên Bộ Tài chính công khai giải trình về việc thuế phí đang "ăn" vào lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nước một cách quá sức chịu đựng.
Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (WB) thì mức đóng thuế phí trên lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam đang là khoảng 39,4%, xấp xỉ so với con số 40,8% mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã đưa ra cách đây không lâu. Nghĩa là doanh nghiệp cứ làm ra 10 đồng thì phải nộp thuế 4 đồng, và đây được xem là một mức rất cao. Bộ Tài chính cũng đã lên tiếng giải trình về vấn đề này một cách chính thức. Nhưng đằng sau câu chuyện đó, hãy còn rất nhiều điều đáng suy ngẫm.
Theo đó, giải trình của Bộ Tài chính tập trung chủ yếu vào trọng điểm là: đúng là doanh nghiệp cứ làm ra 10 đồng thì phải nộp 4 đồng, nhưng không phải tất cả 4 đồng đó đều rơi vào các khoản thu thuế phí. Theo Bộ Tài chính, mức nộp 4 đồng đó ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp, thì còn bao gồm các khoản đóng góp khác như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn. Và hầu hết các khoản đóng góp này đều không thuộc về khoản huy động tài chính của Nhà nước, mà đây là khoản đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động nhằm đảm bảo các chính sách an sinh cho bản thân người lao động.
Nói cách khác, theo Bộ Tài chính, trong tổng số 4 đồng mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng, thì chỉ có khoảng phân nửa số đó là các khoản thuế còn lại thì không. Hiểu theo nghĩa này, thì thậm chí mức đóng thuế của các doanh nghiệp Việt Nam đang còn thấp hơn khá nhiều so với ở các quốc gia khác, theo Bộ Tài chính. Cụ thể là, tỷ lệ thu ngân sách từ thuế phí ở Việt Nam trong vài năm gần đây đạt mức trung bình là khoảng 20,9%, trong khi đó ở Thái Lan lên đến 23%, Lào là 23,4%, Malaysia là 24,5%, Ấn Độ là 19,5%. Còn với thuế thu nhập doanh nghiệp, mức thuế suất phổ thông từ năm 2014 là 22% và từ ngày 1.1.2015 đã giảm xuống chỉ còn 20% và mức thuế suất ưu đãi là 10% và 17%. Trong khi đó, mức bình quân chung của thế giới lên tới 27% và một số nước trong khu vực thậm chí còn cao hơn nhiều so với Việt Nam. Chẳng hạn như ở Thái Lan và Philippines, mức này lên tới 30%, Trung Quốc và Malaysia lên đến 25%. So với những nước này thì mức thuế suất phổ thông ở Việt Nam thậm chí là thấp hơn nhiều.
Tuy nhiên, phía sau lời giải trình có vẻ rất hợp lý này của Bộ Tài chính lại có không ít điều đáng suy ngẫm. Trước hết, dù đúng là 4 đồng mà doanh nghiệp phải đóng góp đều không rơi vào các khoản thuế, thì nó cũng không làm giảm đi một thực tế rằng: các khoản đóng góp đè lên vai các doanh nghiệp vẫn là quá nặng. Lời giải trình của Bộ Tài chính về cơ bản không thay đổi được một thực tế rằng doanh nghiệp vẫn mất 4 đồng trên 10 đồng lợi nhuận vì các khoản thuế phí và đóng góp khác. Sở dĩ vấn đề doanh nghiệp làm 10 đồng, mất 4 đồng nhận được sự quan tâm lớn không phải ở chỗ có phải 4 đồng đó có rơi hết vào khoản thuế phí hay không, mà mấu chốt vấn đề là ở chỗ nó đang là gánh nặng lớn cản trở hoạt động phát triển sản xuất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Lời giải trình của Bộ Tài chính vì thế gần như đã "đi trật đường ray", do không hướng đến trọng tâm vấn đề. Doanh nghiệp không quan tâm 4 đồng lợi nhuận mà họ đóng góp đi đâu, mà họ quan tâm đến việc có thể giảm nhẹ được gánh nặng ấy để hỗ trợ sản xuất và tăng sức cạnh tranh được hay không. Khi mà các doanh nghiệp vẫn phải đóng góp tới 40% lợi nhuận vì các khoản đóng góp, thì mọi sự lý giải về điểm đến của các khoản đóng góp đó đều là vô nghĩa.
Về danh nghĩa, đúng là các khoản đóng góp cho thuế phí trên lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam đang có tỷ lệ thấp hơn một số nước trong khu vực, nhưng đó là do không phải tất cả các khoản đóng góp của các doanh nghiệp Việt Nam đều được coi là thuế. Chẳng hạn như bảo hiểm xã hội, đây là một trong những khoản phí lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng, lên tới 18%, chưa kể đến các khoản phí khác như phí hoạt động công đoàn cũng đã lên tới 2%. Tất cả những khoản này đều không được coi là thuế, nhưng vẫn đang chiếm quá nửa số tiền mà các doanh nghiệp phải đóng hàng năm. Đó là lý do vì sao tỷ lệ đóng góp trên lợi nhuận tổng hợp bao gồm cả thuế phí và không phải thuế phí của các doanh nghiệp Việt Nam rất cao, lên tới 39,4%, cao hơn nhiều so với các nước mà về lý thuyết đang có mức nộp thuế của doanh nghiệp lớn hơn Việt Nam, chẳng hạn như Thái Lan là 27,5%, Hàn Quốc là 33%.
Rõ ràng, chúng ta không thể viện lý do các khoản thuế phí mà doanh nghiệp Việt Nam phải đóng trên danh nghĩa thấp hơn mức trung bình của thế giới để bào chữa cho việc tổng mức đóng góp thuế và các khoản phi thuế thì lại cao hơn khá nhiều. Theo một số chuyên gia kinh tế thì dù mức thuế thu nhập doanh nghiệp đang có xu hướng giảm trong thời gian qua, thì các khoản phí khác lại đang tăng lên, như phí giao thông, phí kiểm tra chuyên ngành, phí kiểm dịch... Nói cách khác, tổng thuế và các khoản phi thuế mà các doanh nghiệp phải gánh trong thời gian qua không hề có dấu hiệu giảm mà còn tiếp tục gia tăng.
Đó là chưa kể, không phải lúc nào lấy các trường hợp trên thế giới ra để so sánh với các vấn đề của nền kinh tế Việt Nam cũng đúng. Mỗi quốc gia có những lộ trình phát triển kinh tế riêng và cần những giải pháp ngắn hạn đôi khi là trái ngược nhau trong những tình huống nhất định. Việt Nam đang đứng trước một cơ hội cất cánh về kinh tế kể từ năm 2016 khi hàng loạt các hiệp định thương mại lớn và quan trọng bắt đầu có hiệu lực. Và rõ ràng việc tìm biện pháp thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp là điều cần thiết, trong đó có việc giảm gánh nặng thuế phí, nhất là khi Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 đã xác định bộ phận kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn, và điều cần làm là nắm lấy cơ hội đó bằng mọi giá thay vì cứ so sánh với mức trung bình của thế giới một cách máy móc. Kể cả khi tổng mức đóng thuế và phi thuế của các doanh nghiệp Việt Nam có thấp hơn mức trung bình của thế giới đi nữa, thì cũng chẳng điều gì có thể khiến chúng ta không tiếp tục giảm thấp các loại thuế phí hơn nữa cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển và nắm bắt lấy cơ hội, nếu đó là điều cần thiết.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Baodatviet)