Lọc dầu Dung Quất lại viện cớ khó khăn, cầu cứu Chính phủ
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 05:03, 23/02/2016
Văn bản do Phó tổng giám đốc Nguyễn Sinh Khang ký, nêu lý do rằng việc chịu thuế suất cao, khách hàng giảm khối lượng tiêu thụ và chỉ ký hợp đồng giao dịch trong ngắn hạn… đã khiến kế hoạch sản xuất của Lọc dầu Dung Quất gặp khó khăn.
Cụ thể, trong bối cảnh giá dầu thế giới lao dốc, thuế nhập khẩu giảm, nhiều đầu mối xăng dầu trong nước chỉ ký kết hợp đồng ngắn hạn 2-3 tháng, giảm khối lượng mua. Ngay như Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex), khách hàng lớn nhất của PetroVietnam cũng chỉ đồng ý ký hợp đồng 2 tháng đầu năm và giảm khối lượng mua dầu diesel từ 120.000 m3 xuống còn 80.000 m3 một tháng nhằm chờ đợi các động thái tiếp theo.
Theo lộ trình của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ đầu năm 2016 thuế nhập khẩu diesel, xăng cho máy bay (Jet A1) từ các nước trong khu vực đã giảm từ 20% về 10%. Trong khi đó, các mức thuế đối với các sản phẩm của Dung Quất vẫn giữ nguyên 20%.
Bên cạnh đó, theo Thông tư 20 của Bộ Tài Chính ban hành ngày 16.12.2015 về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo FTA Việt Nam - Hàn Quốc, thuế nhập khẩu với sản phẩm xăng từ Hàn Quốc sẽ cũng được áp dụng là 10%, trong khi thuế với các sản phẩm mua từ Dung Quất vẫn là 20%.
Theo PVN, trong cơ cấu sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, xăng dầu chiếm hơn 90% tổng sản lượng của toàn nhà máy nên việc không tiêu thụ được sản phẩm xăng dầu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận hành an toàn của nhà máy và hiệu quả sản xuất kinh doanh của Lọc hoá dầu Bình Sơn.
Cùng với đó, mức chênh lệch thuế suất quá lớn như hiện nay sẽ dẫn tới việc khách hàng đầu mối tập trung nhập khẩu với chi phí vận chuyển và phụ phí cao, sản phẩm của nhà máy dù đã giảm phụ phí nhưng cũng không thể cạnh tranh được.
“Tình hình này không chỉ làm ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhà máy mà lợi ích tổng thể phía Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Nếu mặt hàng diesel không tiêu thụ được thì Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ không thể duy trì công suất ổn định, bắt buộc phải giảm công suất hoặc tạm dừng nhà máy trong thời gian tới”, PVN cảnh báo.
Do vậy, tập đoàn này đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ sớm điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu với dầu diesel, Jet A1 nhằm đảm bảo sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, giúp ổn định sản xuất, vận hành liên tục của nhà máy.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên PetroVietnam đưa ra cớ chênh lệch thuế suất để đề nghị giảm thuế. PetroVietnam từng tiết lộ trong một báo cáo đề nghị gia hạn ưu đãi gửi Chính phủ trước đây, thực chất lãi của Dung Quất chủ yếu nhờ vào ưu đãi.
Nghịch lý rằng, dù nhiều lần “kêu cứu” vì khó khăn nhưng liên tiếp trong 3 năm Lọc dầu Dung Quất đều có lãi. Cụ thể, năm 2013, nhà máy này lãi 2.932 tỉ đồng, năm 2014 là 149 tỉ đồng và năm 2015 lãi tới gần 6.000 tỉ đồng.
Hoàng Long