Khi miếng bánh dệt may không hề dễ ăn với Việt Nam
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 10:32, 21/02/2016
Dệt may được đánh giá là ngành mũi nhọn chủ lực sẽ được nhận nhiều lợi ích nhất từ các hiệp định thương mại như TPP hay các FTA, tuy nhiên, miếng bánh ấy với Việt Nam có vẻ như không hề dễ xơi chút nào.
Mặc dù Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn chưa được quốc hội các quốc gia thành viên phê chuẩn ở thời điểm hiện tại, và thậm chí có thể sẽ phải chờ tới năm 2017 khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc, nhưng hiện tại nó đã bắt đầu gây ra những hiệu ứng không hề nhỏ. Ngành dệt may là một ví dụ điển hình, khi TPP ra đời đang được cho là sẽ tạo ra một sự dịch chuyển lớn nhất từ trước đến nay trong ngành này, theo đó các nhà sản xuất lớn nhất sẽ chuyển dịch dần về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam với tư cách là một trong những nước có ngành dệt may quy mô nhất khu vực. Dệt may cũng được đánh giá là ngành mũi nhọn chủ lực sẽ được nhận nhiều lợi ích nhất từ các hiệp định thương mại như TPP hay các FTA, tuy nhiên, miếng bánh ấy với Việt Nam có vẻ như cũng không hề dễ xơi chút nào.
Cụ thể, sự dịch chuyển lớn nhất từ trước đến nay trong ngành dệt may trong thời gian tới sẽ là từ thị trường Trung Quốc sang các quốc gia lân cận ở Nam Á và đặc biệt là Đông Nam Á. Tính đến hết năm 2015 thì Trung Quốc vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu hàng dệt may sang hai thị trường lớn nhất của ngành này là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), vượt khá xa các đối thủ còn lại. Tuy nhiên, xu hướng này đang dần thay đổi khi hai yếu tố là tỷ giá và giá nhân công tại thị trường Trung Quốc đang thay đổi mạnh và ảnh hưởng rất lớn tới ngành xuất khẩu dệt may của nước này.
Tại thị trường EU, do hàng dệt may của Trung Quốc xuất sang thị trường này được trả bằng USD mà trong năm 2015 thì đồng USD đã tăng giá khoảng 20% so với đồng euro, dẫn đến việc số lượng hàng dệt may Trung Quốc xuất vào EU giảm 12% dù tăng 7% về giá trị. Yếu tố thứ hai là nhân công, khi giá nhân công ở Trung Quốc đã tăng từ 3,5 – 4 lần và gần như không thể cạnh tranh với giá nhân công tại các quốc gia lân cận ở Đông Nam Á và Nam Á.
Nắm được xu thế đó nên khá nhiều quốc gia lân cận đã chuẩn bị kỹ các điều kiện để thu hút các nhà sản xuất dệt may sau khi rời khỏi thị trường Trung Quốc. Trong đó Việt Nam được xem là một điểm đến tiềm năng nhất, với chi phí nhân công rẻ hơn Trung Quốc từ 2-3 lần, và cũng đang nổi lên như một thế lực mới trong ngành sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may. Cùng với đó là việc Việt Nam vừa ký kết một loạt các hiệp định thương mại như TPP và các FTA quan trọng như FTA EU - Việt Nam, hay FTA Hàn Quốc - Việt Nam, trong đó hầu hết các dòng thuế đối với hàng dệt may Việt Nam sẽ chuyển dần về 0%. So với các quốc gia lân cận cạnh tranh về ngành dệt may như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Campuchia và Myanmar thì rõ ràng Việt Nam hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi nhất. Tất cả những lợi thế này đang biến Việt Nam trở thành điểm đến số một trong thị trường sản xuất hàng dệt may trên thế giới trong tương lai gần.
Tuy nhiên, miếng bánh xuất khẩu dệt may tưởng ngon ăn ấy lại không hề dễ xơi chút nào với Việt Nam. Những lợi thế đa dạng mà Việt Nam đang sở hữu lại không đến cùng một lúc, một số cái còn chưa đến, trong khi một số khác thì lại đang bị bào mòn nhanh chóng.
Trước hết là vấn đề chi phí nhân công. Ở thời điểm hiện tại, chi phí nhân công trung bình của Việt Nam đang cao hơn hầu hết so với các quốc gia cạnh tranh trong ngành dệt may. Cụ thể là lương tối thiếu ở Việt Nam trong thời gian sắp tới được điều chỉnh tăng lên, đạt trung bình từ 106,67 - 155,56 USD/tháng, cao hơn so với mức lương tối thiểu tại Bangladesh là 67 USD, tại Myanmar là 82,96 USD, tại Mông Cổ là 96,34 USD, tại Campuchia là 124,21 USD. Dù năng suất lao động trong ngành dệt may Việt Nam đang cao hơn so với một số quốc gia, nhưng rõ ràng nó cũng chỉ đủ để bù đắp sự gia tăng chi phí nhân công của Việt Nam mà thôi.
Vấn đề thứ hai là yếu tố tỷ giá. Việc tỷ giá giữa các đồng tiền chủ chốt của thế giới đang biến động mạnh, và các quốc gia đua nhau hạ tỷ giá đồng nội tệ của mình để hỗ trợ xuất khẩu, thì rõ ràng Việt Nam đang gặp phải một số bất lợi khá nghiêm trọng. Tại một số quốc gia như Campuchia và Indonesia, xuất khẩu dệt may chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng giá trị xuất khẩu tại các nước này, và dẫn đến việc chính phủ luôn hỗ trợ tối đa cho ngành này, đặc biệt là về mặt tỷ giá. Việt Nam rõ ràng không thể làm điều tương tự, dù dệt may cũng được xem là ngành mũi nhọn chủ lực đối với nền kinh tế Việt Nam. Vấn đề tỷ giá sẽ ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc cạnh tranh thị phần hàng dệt may xuất khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ và EU, chẳng hạn như số lượng hàng dệt may của Trung Quốc vào EU đã giảm khoảng 12% chỉ vì vấn đề tỷ giá.
Vấn đề thứ ba là bản thân các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết như TPP và các FTA cũng không thực sự mang lại nhiều lợi thế rõ nét và dễ dàng cho ngành dệt may nước nhà. TPP là một ví dụ, hiệp định này quy định khá cứng rắn về vấn đề quy tắc xuất xứ, theo đó nếu hàng dệt may của Việt Nam không làm từ vải của các nước thành viên của hiệp định thì sẽ không được hưởng ưu đãi. Đây được xem là một thách thức lớn khi có tới 75-80% sợi mà ngành dệt may của Việt Nam sử dụng là nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện khả năng sản xuất sợi và nguyên liệu ngành dệt ở trong nước mới chỉ đáp ứng được từ 25-30% nhu cầu.
Vấn đề quy tắc xuất xứ này nhiều khả năng sẽ khiến giá cả hàng dệt may của Việt Nam gia tăng, kể cả trong trường hợp tuân thủ đúng quy định. Hiện một số doanh nghiệp dệt may lớn của Việt Nam cũng đã hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc để phát triển vùng nguyên liệu và cung cấp vải và sản phẩm nhuộm, nhưng chắc chắn một điều là sẽ có giá thành cao hơn so với nhập khẩu từ Trung Quốc. Jayant Menon, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng phát triển châu Á, cho rằng chi phí để Việt Nam thực hiện quy định trên có thể ăn vào lợi nhuận mà Việt Nam vừa có được từ ưu đãi mới của thị trường Mỹ, và về cơ bản thì sức cạnh tranh tổng thể của hàng dệt may của Việt Nam có thể suy giảm, dù giá trị gia tăng thì có thể sẽ tăng lên.
Điều tương tự cũng đang xảy ra trong FTA EU - Việt Nam sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm nay. Các quy định về ngành dệt may của FTA EU - Việt Nam không quy định quá nghiêm ngặt về quy tắc xuất xứ như TPP, nhưng lộ trình giảm thuế cho hàng dệt may Việt Nam vào thị trường EU lại lâu hơn khá nhiều. Dự kiến sẽ cần phải mất tới 7 năm thì EU mới dỡ hoàn toàn các loại thuế đánh vào hàng dệt may của Việt Nam, nghĩa là một khoảng thời gian khá dài. Trong thời gian đó thì hàng dệt may Việt Nam vẫn phải chịu mức thuế khá cao là khoảng 11,7% và giảm dần theo thời gian, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với một số nước được hưởng quy chế giảm thuế của EU cho các nước chậm phát triển, điển hình là Campuchia và Myanmar.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Vinanet, Fortex)