Kinh tế Việt Nam 2016 sẽ ra sao khi đồng tiền của nhóm “Tứ cường” biến động?
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 05:10, 20/02/2016
Ở thời điểm hiện tại, thế giới đang trải qua một cơn biến động dữ dội trên thị trường tài chính, và khả năng lan sang các lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu là rất lớn. Ba thị trường chứng khoán (TTCK) của 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều suy giảm mạnh kể từ đầu năm 2016. Tính đến phiên giao dịch ngày 11.2.2016 thì tổng cộng chỉ số S&P 500 của Mỹ đã giảm tổng cộng khoảng 10,5% kể từ đầu năm mới, còn hai TTCK của Trung Quốc và Nhật Bản thì đều đã rơi vào tình trạng “thị trường con gấu” vốn chỉ xảy ra khi chỉ số chứng khoán sụt giảm vượt quá mức 20%. Lần lượt đồng USD, rồi nhân dân tệ sụt giá mạnh, và tiếp sau đó sẽ là đồng yen Nhật và euro khi mà cả hai ngân hàng trung ương Nhật Bản và EU đều đã đưa lãi suất về mức âm, lần lượt là -0,1% và -0,3%, vốn là động thái sẽ khiến đồng yen và đồng euro sụt giá mạnh hơn nữa.
Việc 4 đồng tiền hàng đầu thế giới sụt giá đã khiến cho giá vàng tăng mạnh nhất trong vòng 7 năm qua, thêm gần 50 USD/ounce. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà đầu tư đã không còn đặt niềm tin vào bất cứ một đồng tiền chủ chốt nào trên thế giới nữa. Đây là điều gần như chưa có tiền lệ trong vòng vài năm trở lại đây, vì thường sẽ luôn có ít nhất là một vài đồng tiền có tỷ giá mạnh để các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn, chứ ít khi xảy ra tình trạng tất cả đều sụt giá như thời điểm hiện tại.
Nếu điều này diễn ra, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam có thể gặp vấn đề nghiêm trọng. Nhiều khả năng xuất khẩu Việt Nam sẽ không thể hoàn thành mục tiêu đặt ra trong năm 2016 là tăng trưởng 10%, tức là sẽ tăng thêm khoảng 12,6 tỉ USD so với năm 2015. Vì trên thực tế, mức tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2015 của Việt Nam cũng chỉ đạt khoảng 8%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra và nó lại diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới 2015 vẫn còn khá sáng sủa khi kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh, còn Trung Quốc và Nhật Bản thì chưa rơi vào trì trệ. Vì thế, khi Mỹ tăng trưởng chậm lại, còn Trung Quốc và Nhật Bản rơi vào trì trệ trong năm 2016 thì rõ ràng là khó khăn đối với xuất khẩu sẽ tăng lên đáng kể, nhất là khi các hiệp định thương mại quan trọng có thể thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam như TPP và các FTA chưa thực sự đi vào hoạt động.
Tác động lớn thứ hai là yếu tố tỷ giá. Việt Nam đã chính thức chuyển sang cơ chế điều hành tỷ giá mới, theo đó sẽ neo giá trị đồng nội tệ vào một rổ các loại tiền tệ chủ chốt thay vì neo vào đồng USD và bám theo nhu cầu nội địa, thông qua thả nổi một phần tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Việc này sẽ giúp Việt Nam hạn chế được những biến động của việc đồng USD tăng giá. Tuy nhiên khi mà một số đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ mà Việt Nam sử dụng để neo giá đồng nội tệ bị sụt giá mạnh ở thời điểm hiện tại, như USD hay nhân dân tệ, thì việc tỷ giá VNĐ bị tác động là chuyện không thể tránh khỏi.
Theo dự đoán của các chuyên gia, VNĐ có thể bị ảnh hưởng bởi việc hàng loạt các đồng tiền chủ chốt trên thế giới sụt giá, và đồng nội tệ của Việt Nam có thể sẽ mất giá khoảng 5% trong năm 2016, trong trường hợp xấu nhất có thể lên tới 8%. Đây rõ ràng là một tác động không hề nhỏ, khi mà mục tiêu của Việt Nam trong năm 2016 vẫn là kiềm chế lạm phát dưới 5%. Để có được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2016, thì một trong những điều kiện tiên quyết là lạm phát phải thấp, để chính phủ có thêm dư địa để tăng nguồn vốn đầu tư phát triển vào nền kinh tế. Nếu lạm phát quá cao sẽ ngăn cản quá trình này, khiến cho nền kinh tế tăng trưởng dưới tiềm năng.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, CafeF)