VPBank sẽ là “quán quân” tăng trưởng tín dụng?

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 16:01, 08/11/2013

Cuối tháng 10, đầu tháng 11.2013 đã có một số ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 3/2013. Theo đó, đa số ngân hàng đều có lãi trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên một chỉ tiêu quan trọng là tăng trưởng tín dụng lại có sự chênh lệch khá lớn giữa các ngân hàng.
           

Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) công bố báo cáo tài chính quý 3 khá sớm. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm PGBank chỉ lãi 60 tỉ đồng, tăng trưởng tín dụng âm 5,6% khi cho vay khách hàng đạt 13.057 tỉ đồng giảm 730 tỉ đồng so với đầu năm 2013.

Tính đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nam Việt (Navibank) có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng kém nhất khi 9 tháng đầu năm giải ngân cho vay 11.768 tỉ đồng, giảm 9% so với cuối năm 2012, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 10,5 tỷ đồng.

Ngân hàng Phương Nam (Southernbank) cũng là một trong ba ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng âm, tính đến thời điểm hiện tại.

Theo báo cáo tài chính quý 3 thì lũy kế 9 tháng đầu năm Southernbank có mức tăng trưởng tín dụng âm 0,2%, một khoảng cách quá xa so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 5% mà Ngân hàng Nhà nước giao.

Sau 9 tháng, Southernbank đạt 226 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 7,6% so với cùng kỳ 2012. Trong khi tăng trưởng tín dụng âm thì nợ xấu lại tăng, tính đến cuối tháng 9, Southernbank có 1.651 tỉ đồng nợ xấu, chiếm 3,79% trên tổng dư nợ.

Trường hợp khả dĩ hơn là Ngân hàng Đông Á (DongABank) khi huy động vốn tiền gửi khách hàng tăng 17%, nợ xấu giảm từ 3,95% xuống còn 2,93%. Tuy nhiên, DongABank cũng chỉ đạt 380 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 55% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng ở mức thấp 1,2% khi cho vay khách hàng 9 tháng đầu năm đạt 51.277 tỉ đồng.

So với các ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng âm hoặc khiêm tốn như Đông Á (1,2%) thì các ngân hàng được cho là ở nhóm trên lại có mức tăng trưởng tín dụng khả quan, hoàn toàn có thể đáp ứng được, thậm chí là vượt mức chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% như mục tiêu đề ra của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị số 3 ngày 18.7.2013.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố báo cáo tài chính cho biết, lũy kế 9 tháng đạt lợi nhuận sau thuế 3.115 tỉ đồng tăng tới 55% so với 9 tháng đầu năm 2012 (2.014 tỉ đồng). Tổng dư nợ cho vay khách hàng là gần 345.000 tỉ đồng tăng 30.000 tỉ đồng so với đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt mức 9,8%.

Ở một mức tăng trưởng tín dụng khá cao là Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm của Sacombank ở mức 1.657 tỉ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012. Huy động vốn đạt 128.137 tỉ đồng tăng 19% so với thời điểm đầu năm 2013. Tổng dư nợ cho vay đạt 109.155 tỉ đồng tăng 13,3% so với đầu năm.

Ngày 6.11, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất. Quý 3 lãi sau thuế 183,9 tỉ đồng, lũy kế 9 tháng giảm gần 27% còn 423,5 tỉ đồng.

Lợi nhuận giảm do trích lập dự phòng rủi ro trong quý 3 gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2012 cùng chi phí hoạt động gia tăng mạnh bởi đã tăng khoảng 1.800 nhân sự trong 9 tháng qua.

Điểm nổi bật nhất của VPBank là ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất 28% khi có 46.786 tỉ đồng dư nợ cho vay so với mức 36.523 tỉ đồng cuối năm 2012. Ngoài ra, tiền gửi của khách hàng cũng tăng mạnh 47% từ 59.509 tỉ đồng lên mức 87.300 tỉ đồng, nợ xấu giảm từ 2,72% thời điểm đầu năm xuống 2,27% vào cuối tháng 9.2013.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng có tỉ lệ tăng trưởng tín dụng ở mức khá trong thời điểm hiện nay như: SHB có mức tăng trưởng tín dụng 8,7%; SeaBank có mức tăng trưởng tín dụng 7%; VIB dự định tăng trưởng tín dụng 9% trong năm 2013.

Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại VPBank có mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng nhất khi đạt 28% dư nợ cho vay. Các ngân hàng khác sẽ không thể đuổi kịp mức tăng trưởng tín dụng này, bởi từ nay đến cuối năm 2013 chỉ còn 2 tháng, chưa kể mới đây VPBank cùng HDBank được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 lên 30%.

Quang Bách

           

Một Thế Giới