Sở hữu chéo tiếp tục là rào cản trong xử lý nợ xấu
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 05:26, 03/11/2013
Sau thời gian dài chuẩn bị, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã được thành lập. Đến thời điểm hiện tại, sau khi chọn ra 3 đối tượng gồm các ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN), ngân hàng cần tái cơ cấu và các đơn vị có nợ xấu trên 3% của tổng dư nợ, VAMC đã chính thức ký kết với 11 khách hàng có giá trị khoản nợ ghi sổ là 3.600 tỷ đồng. Ngoài ra, một số ngân hàng lớn cũng sẽ bán nợ cho VAMC trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tình trạng sở hữu chéo đang là vấn đề rắc rối và khó gỡ nhất giữa doanh nghiệp và ngân hàng, trong đó doanh nghiệp sở hữu cổ phần của ngân hàng hoặc ngân hàng sở hữu cổ phần của doanh nghiệp; và các ngân hàng nắm cổ phần của nhau.
Theo nhận định của Bộ Công thương, trước nhu cầu huy động vốn tăng cao để đáp ứng đòi hỏi tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế, trong giai đoạn 2005-2007, NHNN đã chấp nhận cho phép 13 ngân hàng được chuyển đổi từ mô hình nông thôn lên thành thị.
Các ngân hàng này trước khi chuyển đổi, vốn điều lệ chỉ có khoảng vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, theo yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu 3000 tỷ vào năm 2011, các NHTM này đã buộc phải tăng vốn chủ sở hữu lên 10-20 lần chỉ trong vòng chỉ 5 năm.
Ở thời điểm đó, vì huy động vốn trong giai đoạn 2008-2011 rất khó khăn nên để đảm bảo được yêu cầu của NHNN, các ngân hàng nhỏ đã phải dùng nhiều chiêu thức để tăng vốn điều lệ. Chẳng hạn như ngân hàng X mua trái phiếu hoặc kỳ phiếu (hợp đồng mua bán có kỳ hạn) của một công ty A và sau đó công ty A, qua nhiều kênh khác nhau, dùng tiền bán trái phiếu đó góp vốn vào ngân hàng X.
Khi đến thời điểm đáo hạn trái phiếu, công ty A không có khả năng trả tiền cho ngân hàng và khoản tiền mua trái phiếu đó trở thành nợ xấu. Như vậy, thực chất thì khoản nợ xấu này hoàn toàn ảo vì nó không được dùng vào cho một dự án kinh doanh cụ thể nào. Nó chỉ là khoản tiền lòng vòng để tăng vốn điều lệ cho chính ngân hàng đó.
Để có thể hợp pháp hoá được cách tăng vốn điều lệ kiểu này thì giữa ngân hàng và doanh nghiệp buộc phải có quan hệ sở hữu chéo. Các ngân hàng thường là “sân sau” của các tập đoàn, cả nhà nước lẫn tư nhân.
Lượng vốn chủ sở tăng lớn như vậy buộc phải dựa vào vốn đóng góp của chính các doanh nghiệp đứng đằng sau ngân hàng này.
Bộ Công thương cũng nhận định, một vấn đề khác nảy sinh khi tốc độ tăng vốn chủ sở hữu quá nhanh của nhóm ngân hàng này là chính các tập đoàn đằng sau các ngân hàng này cũng phải vay vốn từ các ngân hàng khác để đáp ứng yêu cầu. Hệ quả là vốn vay của các tập đoàn bị sử dụng sai mục đích.
Để vốn ảo trở thành vốn thật thì các ngân hàng thuộc nhóm này buộc phải phát triển với tốc độ cực nhanh, tức phải tăng trưởng tài sản bằng mọi giá để tương ứng với lượng vốn chủ sở hữu tăng thêm.
Số liệu của 10 ngân hàng chuyển đổi từ nông thôn ra thành thị cho thấy tổng tài sản của nhóm này đã tăng tới 343,6%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng của nhóm này chỉ tăng 285,6%.
Điều này cho thấy các ngân hàng này đã đầu tư khá nhiều vào “chứng khoán kinh doanh” hoặc “chứng khoán đầu tư”, vốn là các loại tài sản có tính rủi ro cao. Do trình độ quản trị của các ngân hàng này không theo kịp với đà tăng tài sản nên dẫn đến việc chất lượng tín dụng của các ngân hàng này kém.
Ngoài ra, do việc sở hữu chồng chéo giữa khu vực doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng nợ xấu, nợ quá hạn trở thành dắt dây trong toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng của Việt Nam. Vì lẽ đó, việc khoanh lại nhóm các ngân hàng yếu kém để tái cấu trúc không phải là dễ dàng.
Duyên Duyên