Việt Nam có dám học theo Thái Lan để phát triển mạnh mẽ

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 07:45, 12/02/2016

Việc Thái Lan gần đây đã tuyên bố sẽ giảm dần diện tích trồng lúa và dần chuyển sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn đang là một hồi chuông cảnh báo với ngành nông nghiệp Việt Nam.
Năm 2016 được đánh giá là mốc thời điểm mà kinh tế Việt Nam có sự hội nhập sâu rộng nhất từ trước tới nay, nhưng đây cũng đồng thời là thời điểm mà nền kinh tế Việt Nam đứng trước áp lực phải cải cách mạnh mẽ nhất, khi có hàng loạt lĩnh vực đang đứng trước yêu cầu cải tổ toàn diện. Nông nghiệp là một trong số đó. 
Lĩnh vực được coi là trụ đỡ của nền kinh tế trong suốt gần ba thập niên qua giờ đây đang đứng trước nguy cơ trở thành một điểm yếu của nền kinh tế do sự trì trệ của mình. Và để cải tổ toàn diện và mạnh mẽ, ngành nông nghiệp Việt Nam cần dứt khoát từ bỏ sự phụ thuộc nặng nề vào cây lúa trong suốt nhiều năm qua dù nó vốn được coi là biểu tượng cho chiến lược phát triển và vị thế của ngành nông nghiệp. 
Nền nông nghiệp Việt Nam và sự phụ thuộc nặng nề vào lúa gạo
Không có gì quá đáng khi nói rằng nông nghiệp với biểu tượng là cây lúa thực sự là điểm tựa cho nền kinh tế Việt Nam trong suốt mấy chục năm vừa qua kể từ khi mở cửa và đổi mới. Ngành nông nghiệp với yếu tố chủ đạo là canh tác trồng lúa gạo đã giải quyết tới khoảng 70% lực lượng lao động của cả nước khi bắt đầu mở cửa, đồng thời là ngành xuất khẩu chủ lực đem một lượng lớn ngoại tệ về cho đất nước trong giai đoạn cần nguồn lực để phát triển hơn bao giờ hết. Khi mà cả nước đang thiếu nguồn vốn phát triển trầm trọng khi bắt đầu mở cửa, thì việc ngành nông nghiệp đem về 1,2 tỉ USD từ xuất khẩu gạo trong giai đoạn đầu những năm 1990 quả thực là một món quà quý hơn vàng.
Trong giai đoạn sau đó, dù các giống cây trồng khác bắt đầu chiếm ưu thế trong xuất khẩu của ngành nông nghiệp Việt Nam, như cà phê hay hồ tiêu, thì lúa gạo vẫn được xem là biểu tượng cho ngành nông nghiệp. Về cơ cấu nông nghiệp, thì lúa gạo chiếm ưu thế tuyệt đối. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 9,3 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó tính đến cuối năm 2012 thì đã có tới 7 triệu ha là đất trồng lúa. Trong khi các ngành nông sản khác thường liên tục thay đổi tổng kim ngạch xuất khẩu do sự bất ổn của thị trường, thì riêng lĩnh vực xuất khẩu lúa gạo vẫn giữ được sự ổn định, trung bình từ 2-3 tỉ USD/năm. 
Cơ cấu trồng lúa trong ngành nông nghiệp Việt Nam ở một mức độ cao như vậy, nên không khó hiểu khi Việt Nam là một trong hai quốc gia xuất khẩu lúa gạo đứng đầu thế giới cùng với Thái Lan trong rất nhiều năm, trước khi bị Ấn Độ qua mặt vào giai đoạn cuối 2015, đầu 2016. Vị trí đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu lúa gạo được xem như biểu tượng cho vị thế của ngành nông nghiệp, và thậm chí còn được coi như tiền đề để biến Việt Nam trở thành một cường quốc nông nghiệp. Hầu như mọi nỗ lực đầu tư vào nông nghiệp trong rất nhiều năm qua của Việt Nam với mục tiêu trở thành một cường quốc về nông nghiệp đều chỉ hướng đến tăng sản lượng lúa gạo, điển hình như việc đưa vào canh tác trồng lúa trong vụ thứ ba ở đồng bằng sông Cửu Long. Điều đó cho thấy vị thế của lúa gạo trên thực tế đã vượt quá vị thế của một cây trồng quan trọng, mà đã trở thành biểu tượng cho cả ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc nặng nề và có phần thiếu sáng suốt đó đang đem lại những hệ quả nghiêm trọng. Đầu tiên và lớn nhất là sự lãng phí nghiêm trọng tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Theo tính toán, diện tích trồng lúa gạo hiện đang chiếm tới hơn 70% diện tích canh tác của toàn bộ ngành nông nghiệp Việt Nam, nhưng chỉ đóng góp khoảng 10% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Trên thực tế, xuất khẩu lúa gạo từ sau năm 2000 chỉ chiếm khoảng dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam, và thường chỉ chiếm khoảng hơn 10%, khi mà tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản có lúc lên tới trên 30 tỉ USD trong khi xuất khẩu lúa gạo chỉ đạt khoảng gần 3 tỉ USD. Rõ ràng là Việt Nam đang dành quá nhiều quỹ đất nông nghiệp cho một loại cây trồng có giá trị đem lại không tương xứng. 
Thứ hai, nó dẫn tới sự lệch lạc đáng báo động của cơ cấu ngành trồng trọt nói riêng và toàn bộ ngành nông nghiệp nói chung. Chúng ta tập trung quá nhiều diện tích đất nông nghiệp để trồng lúa, dẫn đến tình trạng dư thừa và khiến giá thóc gạo giảm nghiêm trọng, trong khi đó diện tích để trồng các giống cây trồng khác lại quá thấp và đang khiến Việt Nam nhập khẩu rất nhiều các loại sản phẩm trồng trọt này. Điển hình là ngô. Trong năm 2014 Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng khoảng gần 5 triệu tấn ngô, tổng giá trị khoảng 1,2 tỉ USD. Trong khi đó tổng giá trị xuất khẩu của lúa gạo trong năm 2014 cũng chỉ đạt khoảng 2,9 tỉ USD và tình trạng thừa múa lúa gạo vẫn còn rất lớn.
Việt Nam cần phá bỏ sự phụ thuộc vào lúa gạo nếu muốn cải tổ nền nông nghiệp
Việc Thái Lan gần đây đã tuyên bố sẽ giảm dần diện tích trồng lúa và dần chuyển sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn đang là một hồi chuông cảnh báo với ngành nông nghiệp Việt Nam. Không còn nghi ngờ gì một thực tế rằng lúa gạo là một cây trồng có giá trị kinh tế rất thấp, kể cả các giống lúa chất lượng và có giá thành cao thì vẫn kém rất xa các loại cây trồng khác về giá trị kinh tế. Chẳng hạn như Malaysia là một nước nhập khẩu lúa gạo, nhưng là do nước này tập trung vào các loại cây trồng có giá trị xuất khẩu cao hơn như cây dầu cọ và cao su, rồi sử dụng tiền thu được để mua gạo. Rõ ràng các nước có sự tính toán không ngoan như Malaysia sẽ đem lại lợi ích kinh tế lớn hơn cho ngành nông nghiệp mà không quá lo sợ về kịch bản mất an toàn an ninh lương thực. 
Đúng là việc Thái Lan vốn là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo trong nhiều năm qua tuyên bố giảm sản lượng sẽ khiến giá gạo tăng cao, đem lại phần nào lợi ích cho Việt Nam trong xuất khẩu gạo, nhưng rõ ràng là nó đang đặt ra một bài toán lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam, là liệu tiếp tục tập trung vào xuất khẩu lúa gạo vốn vừa có thêm một chút lợi thế hay là dần chuyển sang canh tác các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Rõ ràng là chúng ta hiện nay đang không cần lo lắng về tình trạng mất an ninh lương thực, và rõ ràng hơn nữa là Việt Nam không cần thiết phải trở thành quốc gia phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh lương thực của cả thế giới bằng cách đánh đổi lợi ích của chính mình. 
Hạn hán và các biến động về thời tiết ảnh hưởng đến nông nghiệp toàn cầu do El Nino rõ ràng là sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu gạo tăng lên, sẽ đẩy giá và mang đến lợi ích cho các quốc gia xuất khẩu lúa gạo như Việt Nam, nhưng lợi ích đó vẫn là quá nhỏ so với việc chuyển đổi dần sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Chính tình trạng phụ thuộc quá lớn vào canh tác lúa gạo là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ của ngành nông nghiệp Việt Nam. Chúng ta đã tập trung quá nhiều vào một giống cây trồng ít giá trị kinh tế, dẫn đến các nguồn lực phân bổ sai địa chỉ và thiếu hiệu quả, tạo nên sức ép quá lớn đối với người nông dân.
Vì thế, điều cốt yếu trong kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp Việt Nam ở thời điểm hiện tại, là cần phá bỏ sự phụ thuộc quá nặng nề vào cây lúa. Diện tích canh tác nông nghiệp sẽ cần phân bố lại, và chỉ canh tác lúa gạo trên một diện tích vừa đủ để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, theo đó sẽ tập trung ở những vùng đất màu mỡ nhất thích hợp cho trồng lúa năng suất cao như đồng bằng sông Cửu Long, còn lại sẽ được tập trung cho các giống cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn để phục vụ xuất khẩu và nhu cầu của thị trường trong nước. Rõ ràng là, Việt Nam chỉ có thể trở thành cường quốc nông nghiệp nếu phát triển các loại cây trồng khác có năng suất và giá trị kinh tế cao, chứ không phải là bằng cây lúa. 
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, The Saigon Times, Bnews, Clrri)

Một Thế Giới