“Doanh nghiệp chăm lo cho mối quan hệ hơn lo cho người lao động”

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 06:13, 23/01/2016

Việc các doanh nghiệp chỉ lo chăm chút cho các mối quan hệ mà không quan tâm tới người lao động, tới cộng đồng kinh tế chung thì sẽ phải đối mặt với các cuộc cạnh tranh gay gắt từ hội nhập.
Đó là ý kiến của tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng CIEM tại hội thảo “TPP – Tầm nhìn và vận hội cho doanh nghiệp Việt Nam” do mạng xã hội nghề nghiệp MyLink.vn cùng Công ty CP tư vấn chất lượng - thương hiệu và truyền thông Việt Nam VNPACO và Liên hiệp khoa học doanh nhân tổ chức chiều 22.1 tại TP.HCM.
TS Lê Đăng Doanh cho biết, một số doanh nghiệp hiện nay không quan tâm tới hội nhập. Các doanh nghiệp này luôn nghĩ rằng họ đang vững chắc và chỉ đang kinh doanh ở cái chợ, kinh doanh ở thị trường ngách, chiếm lĩnh thị trường nông thôn nên còn nhiều thời gian.
Thứ hai, doanh nghiệp vẫn sống dựa vào mối quan hệ. Ông Doanh cho rằng một số doanh nghiệp đang chăm lo cho mối quan hệ hơn chăm lo cho người lao động.
“Tôi đã có một kỷ niệm thế này, vào một bữa tối, mấy anh em đang ăn cơm với nhau thì có một người gọi điện đến cho chủ một doanh nghiệp. Sau đó vị chủ doanh nghiệp này đó vội đi ngay. Tưởng chuyện gì, thì ra là mẹ của Chủ tịch tỉnh vừa mới bệnh nên ông ấy phải chạy đến để thuốc thang, xem gia đình họ có cần gì thì còn lo. Chủ doanh nghiệp này nói thêm với tôi rằng đây là cơ hội để ông ấy tạo ra điểm khác biệt cho Chủ tịch tỉnh thấy. Tôi rất ngỡ ngàng. Nào là mẹ Chủ tịch tỉnh bệnh, con Chủ tịch tỉnh cưới vợ mà chủ doanh nghiệp còn lo hơn doanh nghiệp của ông ấy”, ông Doanh chia sẻ.
Theo chuyên gia kinh tế này, với lối suy nghĩ và cách hành xử như vậy thì doanh nghiệp Việt đang thực sự đối mặt với các cuộc cạnh tranh gay gắt từ hội nhập.
Ông Doanh đánh giá năm 2016 là một năm kinh tế rất khó khăn. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới đã giảm dự báo của tăng trưởng kinh tế thế giới. Các đồng tiền trong khu vực đã phá giá một cách kinh khủng như đồng tiền Malaysia đã phá giá 27%, Indonesia phá giá 12%...
Bên cạnh đó, giá dầu thô tiếp tục giảm sâu, những ngày gần đây dầu đã giảm chỉ còn 28 USD/thùng, có lúc xuống 23 USD/thùng. Giá dầu giảm thì làm cho giá nông sản giảm, giá nguyên vật liệu giảm... kéo theo thị trường chứng khoán giảm. Từ đầu năm 2016 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã “bốc hơi” hơn 5 tỉ USD.
Chưa kể, kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Năm 2015, chúng ta nhập siêu 32,3 tỉ USD từ Trung Quốc. Mặc dù thời gian gần đây kinh tế Trung Quốc đang khó khăn nhưng về lâu về dài, đây sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Do đó, nếu như các doanh nghiệp không thay đổi thì chúng ta phải sống trong một môi trường rất khó khăn”, ông Doanh nói.
Trong khi đó, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa VN, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá việc các doanh nghiệp Việt Nam yếu thế hơn khi gia nhập các cộng đồng kinh tế lớn trên thế giới.
doanh nghiep, moi quan he, nguoi lao dong, hoi nhap, TPP, Le Dang Doanh, Cao Sy Kiem
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa VN, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước  (Ảnh: Internet)
Theo ông Kiêm, doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng yếu thế nhất trong cạnh tranh do phát triển không đồng đều, kể cả vốn liếng lẫn chất lượng nguồn lực và công nghệ.
Tuy nhiên, một yếu tố mạnh nhất mà doanh nghiệp có thể khắc phục được là hỗ trợ lẫn nhau, giữa cộng đồng doanh nghiệp với doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng khác. Ông Kiêm cho biết thêm, sắp tới đây sẽ có Luật và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp các doanh nghiệp này có nhưng có xuất phát điểm riêng, đặc điểm riêng để hội nhập theo thời kỳ mới. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ như tiền vốn, đào tạo, quy hoạch, thuế, tín dụng….
“Chính sách ấy tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có những xuất phát điểm ngang bằng với các thành phần, các đối tượng kinh tế khác để khi vào thực hiện TPP thì hợp với thông lệnh quốc tế. Phía doanh nghiệp khi hội nhập cao hơn, với điều kiện khắt khe hơn thì những nỗ lực chủ quan của chúng ta là yếu tố quyết định. Đây là con đường đi ngắn nhất để phát huy dư địa, tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Kiêm cho biết.
Đồng quan điểm, ông Doanh đánh giá cách mà doanh nghiệp phải đối mặt với hội nhập là liên kết lại với nhau để có một quy mô lớn hơn để có thể xuất khẩu được. Doanh nghiệp Việt Nam phải tạo ra được sự khác biệt đối với doanh nghiệp nước ngoài, của Cộng đồng chung kinh tế ASEAN.
“Khi doanh nghiệp nước ngoài đưa ra món hàng gì đó thì mình phải động não, phải tạo ra một món hàng khác với họ thì mới có thể trụ được. Còn kinh doanh mà cứ theo lối mòn thì tôi nghĩ sắp tới đây là một thời điểm rất khó khăn”, ông Doanh nhận định.
Phan Diệu

Một Thế Giới