Tín dụng “đen”: Doanh nghiệp biết vẫn khó tránh

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 11:20, 08/10/2013

Bí bách, doanh nghiệp tìm đến tính dụng “đen” như liều “doping” với mong muốn giải quyết tức thì khó khăn trước mắt và đã phải trả giá đắt cho sự liều lĩnh này.
           

Trên thực tế, hình thức tín dụng “đen” được xem là một thị trường với cơ chế vận hành và luật lệ riêng. Hàng hóa chính là tiền tự có hoặc huy động từ nhiều người khác. Vòng quay của tiền được tính theo ngày, thủ tục vay mượn gọn nhẹ chỉ với mảnh giấy viết tay, một cú điện thoại…

 Chỉ cần thế chấp

Anh Lâm Tá Đoàn, chủ một doanh nghiệp xây dựng ở huyện Nhà Bè (TP.HCM), cho biết: “Vì thiếu vốn để hoàn thành nhanh công trình tôi đã phải tìm đường vay tiền nóng khoảng 3 tỉ đồng, lãi suất rất cao. Để vay được rất đơn giản, thậm chí không cần thế chấp, tiền lại có sẵn bất kỳ khi nào”.

Tuy nhiên, anh Đoàn nói khi “ngập” vào rồi mới biết, luật bất thành văn của dân cho vay tiền mặt ngoài luồng là phải trả lãi đúng hạn, không sai một ngày. Chậm là bị phạt quá hạn với lãi suất cắt cổ, nếu hai lần chậm trả lãi sẽ bị thu hồi vốn gốc lập tức.

“Cực chẳng đã mới phải làm vậy. Giờ vừa lo tìm đối tác làm ăn, lo đời sống, giữ doanh nghiệp lại còn canh cánh mấy món nợ lãi suất cao, tôi không biết mình trụ được đến bao giờ nữa?”, anh hoang mang.

Theo một nhà môi giới bất động sản, thời gian gần đây, khách hàng là chủ doanh nghiệp tìm đến tín dụng “đen” tăng đột biến. Phần lớn là doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh vật liệu xây dựng.

“Không thể lấy hàng thêm khi chưa thanh toán nợ cũ. Tôi chỉ còn biết tìm đến tín dụng ‘đen’ bởi lúc này quá khó để huy động vốn ở ngân hàng” – anh Hoàng Tân, chủ doanh nghiệp vật liệu xây dựng Quang Minh (quận Gò Vấp), nói.

Khi làm thủ tục vay ngân hàng, quan trọng nhất là phải chứng minh được phương án kinh doanh và lộ trình trả nợ, trả lãi khả thi, thứ đến mới là tài sản thế chấp tương ứng. Đối với tín dụng “đen” thì ngược lại, trong nhiều trường hợp tài sản thế chấp mới quan trọng, còn phương án kinh doanh, trả nợ trả lãi, không có… cũng không sao.

Việc thế chấp tài sản là bất động sản thường được các chủ nợ hợp thức hóa bằng cách yêu cầu đối tác viết sẵn giấy sang tên, chuyển nhượng và những thủ tục cần thiết khác. Khi biết chắc con nợ không còn khả năng chi trả, chủ nợ lập tức chuyển quyền sở hữu tài sản mà không cần sự có mặt của con nợ.

Lãi suất huy động và cho vay tín dụng “đen” ngày càng cao, thủ tục ngày càng thoáng. Không có trần hay sàn lãi suất nào cả, hoàn toàn là thuận mua vừa bán: từ lãi suất “hữu nghị” 0,15%/ngày tương ứng 4,5%/tháng đến 54%/năm cho các khoản vay ngắn hạn từ năm ngoái tương ứng 30%/tháng và 360%/ năm…

Càng muốn gỡ càng rối

Việc huy động vốn cấp bách của doanh nghiệp là mong muốn gỡ rối cho tình hình kinh doanh hiện tại, hoàn thiện các dự án dở dang. Tuy nhiên một khi đã rơi vào thị trường tín dụng “đen” thì càng gỡ doanh nghiệp lại càng rối.

Theo anh Tân, vay nợ ngoài bây giờ đã là một phần trong chuỗi kinh doanh luẩn quẩn.  Nhiều lúc muốn tuyên bố ngừng kinh doanh nhưng còn vướng nợ đối tác, khách hàng đang nợ mình và nợ cả bên ngoài nên vẫn phải duy trì doanh nghiệp để cầm cự.

to roi quang cao tin dung

Tờ rơi quảng cáo tín dụng “đen” xuất hiện ở những nơi công cộng. Ảnh: Thuận Thắng

Với anh Đoàn ở Nhà Bè, việc vay nợ bên ngoài cũng không có hồi kết bởi hiện tại khó  kiếm được một công trình xây dựng quy mô, trong khi đó vẫn phải hoạt động nhỏ lẻ để duy trì. Chỉ biết trước mắt là rất nguy hiểm bởi nợ sẽ chồng lên nợ, lãi chồng lên lãi.

Một chuyên gia kinh tế nhận định, khi nào cánh cửa vay ngân hàng còn bị bịt chặt, khi đó, tín dụng “đen” còn có cơ hội “giăng lưới” doanh nghiệp nhỏ. Do vậy theo ông, các ngân hàng cần cải tổ phù hợp với thực tế, dịch vụ thông suốt, nhất là đối với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 Bài 1: Tín dụng “đen” rình rập thị trường

Việt Lê

           

Một Thế Giới