Nông dân các dân tộc thiểu số khốn khó vì vay nặng lãi

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 08:02, 13/12/2015

Nhiều nông dân của các dân tộc thiểu số đang vay tiền từ tư nhân với lãi suất lên tới 50-60%/năm, thay vì có thể vay ở các ngân hàng với lãi suất thấp hơn như chính sách quy định. 

Sống chung với nợ

Theo nghiên cứu đưa ra tại hội thảo “Chuyển đổi sinh kế và tình trạng tài chính của một số tộc thiểu số ở Việt Nam”, do Liên minh Nông nghiệp tổ chức ngày 9.12, một tỷ lệ rất lớn các hộ nông dân các dân tộc thiểu số tại chỗ đang phải gánh các khoản nợ khác nhau, với mức độ nợ từ 50 - 240 triệu đồng. 
Đáng chú ý, có tới 70% mục đích các khoản vay là để đầu tư cho nông nghiệp, 7 - 8% là để trả các khoản nợ đã có (đảo nợ). Phần lớn các hộ dân này đang phải vay nặng lãi từ tư nhân để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, với lãi suất lên tới 50 - 60%/năm, thay vì có thể vay ở các ngân hàng với lãi suất thấp như chính sách quy định.

Theo nghiên cứu đưa ra, lý do người dân vay nặng lãi từ tư nhân rất đa dạng: do không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng, do thủ tục vay ngân hàng quá phức tạp và giải ngân chậm, phải chờ đợi từng đợt vay với lượng tiền quy định, nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu đầu tư sản xuất.

Trong khi đó vay từ tư nhân thủ tục rất đơn giản, không yêu cầu thế chấp, đáp ứng ngay khi có nhu cầu với lượng tiền cho vay cao hơn.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Y-Bhiao MLô (buôn Tring, xã An Lạc, thị xã Buôn Hồ, Đắc Lắk) cho hay bà con thích vay ngân hàng hơn vì lãi suất thấp, nhưng bà con không thạo thủ tục, vay ngân hàng rất khó, thủ tục phức tạp. Hơn nữa, ngân hàng lại cho vay ít, không được vay lâu dài. 

“Hơn nữa, vay ngân hàng đến hạn không có tiền trả, chúng tôi sợ bị ngân hàng tịch thu tài sản, nhà cửa. Trong khi, vay của bà H. (đại lý buôn bán) rất nhanh, vay được nhiều tiền mà không lo bị bắt mất nhà”, ông Y-Bhiao MLô nói.

Tuy nhiên, ông Mlô cũng cho hay người địa phương nghe nói là ngân hàng sẽ tịch thu nhà chứ cũng chưa thấy nhà nào bị ngân hàng đến tịch thu. Các chuyên gia tại hội thảo cũng thông báo rằng đây là tin đồn thất thiệt nhằm đẩy bà con phải vay tín dụng đen thay vì ngân hàng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Y Thin Bya - đại diện nông dân cho hay bà con dân tộc thiểu số đang gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi cây trồng. Khi vay tiền đầu tư, cây trồng chưa thu hái được quả thì đã đến hạn trả tiền ngân hàng, bà con lại phải đi vay hoặc bán non.
Bên cạnh đó, tình trạng cứ trồng rồi chặt cũng phổ biến ở các khu vực này. “Bà con có nghe tín hiệu thị trường chứ không phải là không, nhưng luôn luôn đi sau thị trường. Khi bà con thấy cây này thu nhiều lợi nhuận thì đầu tư, vài năm sau mới thu hoạch thì lúc đó giá cả cây đó lại đã xuống thấp, bà con lại chặt và cứ luẩn quẩn như thế" - ông Y Thin Bya nói.
Vị đại diện nông dân cũng nói thêm, ngoài ra cũng có những khuyến cáo của cơ quan chức năng không đúng và chậm chạp với thị trường nữa”.

Cần chính sách phát triển khác

Theo ông Lê Đức Thịnh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân của tình trạng trên là do nông dân dân tộc thiểu số khó tiếp cận nguồn vốn sử dụng đồng vốn không hiệu quả. Hơn nữa, có nhiều nút thắt làm cho thị trường tài chính vi mô chưa phát triển, chưa phục vụ được cho người nghèo.

nong dan dan toc thieu so
 Tọa đàm Chính sách nông nghiệp

Bàn về giải pháp tháo gỡ, ông Lê Đức Thịnh cho rằng cần phải có các chính sách khuyến khích sự tham gia của các tổ chức bảo hiểm để nhân rộng mô hình bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân để tạo niềm tin và chia sẻ các rủi ro với người nông dân trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Đào Thế Anh, Phó chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam nhận xét các chính sách của Nhà nước khuyến khích độc canh không phù hợp. Kinh tế hộ nhỏ chống chọi với kinh tế thị trường một cách đơn độc như hiện nay chắc chắn sẽ chết.

“Cần phải phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, giảm đầu vào, có hợp tác xã, bảo hiểm, hệ thống tín dụng đặc thù… phù hợp với người dân bản địa. Các chương trình giảm nghèo ở Tây Nguyên cũng cần xem lại khi đã thực sự sâu sát và hiểu được văn hóa, kinh tế của họ”, ông Đào Thế Anh nhấn mạnh.

Một đại biểu nhận định đã đến lúc cần một diễn ngôn khác, chính sách khác để phát triển cho nông dân dân tộc thiểu số. Cũng cần phải phá thế độc quyền của tài chính, để có các tổ chức vi mô “có cửa” để tham gia vào với những người làm ăn nhỏ lẻ, đang vay tín dụng đen và không tiếp cận được vốn nhà nước.

Hoàng Long

Một Thế Giới