Doanh nghiệp châu Âu lo lắng về quyền sở hữu trí tuệ ở VN

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 10:52, 03/12/2015

Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Diễn đàn doanh nghiệp thường niên 2015 mới đây, việc Việt Nam bảo vệ luật sở hữu trí tuệ là rất cần thiết để khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Cần cải thiện Luật Sở hữu trí tuệ để thu hút đầu tư

“Mặc dù Việt Nam đã cải thiện khuôn khổ pháp lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong những năm gần đây nhưng hành vi vi phạm và việc thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ vẫn là một mối quan tâm của các doanh nghiệp châu Âu cũng như các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Tomaso Andreatta - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho hay.

Bởi lý do đó, EuroCham kêu gọi Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh những nỗ lực đảm bảo việc bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ tiên tiến và thúc đẩy đổi mới.

“Những điều nói trên có thể thu hút nhiều hơn đầu tư nước ngoài vào sản xuất, nghiên cứu và phát triển, đồng thời khuyến khích các công ty Việt Nam đầu tư vào các hoạt động sáng tạo. Chúng tôi tin việc thực hiện tốt bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chỉ có thể đạt được thông qua việc đảm bảo rằng hành vi vi phạm thương hiệu và bản quyền phải đối mặt với lệnh trừng phạt của pháp luật với tính răn đe cao”, ông Tomaso Andreatta dẫn ra.

Vị đại diện của EuroCham cũng lưu ý rằng hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trực tuyến đang trở nên ngày càng quan trọng cùng với sự tăng trưởng số lượng người dùng internet.

Theo ông, việc thực thi đặc biệt khó khăn trong các trường hợp này, cụ thể là khi nói đến giao dịch bất hợp pháp đối với các sản phẩm được bảo hộ bản quyền và các hàng hóa vi phạm, cũng như liên quan đến hành vi vi phạm trên các trang web và đăng ký, bảo trì tên miền có nội dung xấu.

Báo cáo cho hay EuroCham khuyến nghị rằng các khoản tiền phạt hành chính đối với cá nhân có hành vi vi phạm bản quyền cần được tăng lên và những nỗ lực thực thi pháp luật đối với các website vi phạm sẽ được tăng cường, đặc biệt là các quyết định đình chỉ cần được thi hành ngay lập tức, để hạn chế/giảm bớt thiệt hại cho chủ sở hữu hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, EuroCham đề xuất các giải pháp tiếp theo nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ bao gồm việc xây dựng danh sách chọn lọc các chỉ dẫn địa lý (GI), bảo vệ dữ liệu và quản lý thương hiệu, và thực thi hiệu quả hơn các luật về sở hữu trí tuệ.

Tòa án Việt Nam ít công nhận phán quyết của trọng tài quốc tế

Vẫn liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ, báo cáo của EuroCham cho rằng trong trường hợp giá trị của hợp đồng là rất lớn, các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thường chọn giải quyết tranh chấp bằng cơ chế trọng tài quốc tế.

Theo đó, tuy thủ tục trọng tài quốc tế thường tốn kém về cả thời gian và tiền bạc, nhưng phán quyết của trọng tài quốc tế thường được thi hành ở hầu hết các nước trên thế giới theo Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài (gọi tắt là NYC 1958) mà Việt Nam là thành viên của công ước này.

Đại đa số các nước thành viên đều áp dụng một cách đúng đắn các quy định của NYC 1958 trong thực tiễn và nghiêm chỉnh công nhận cũng như thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài trong phạm vi lãnh thổ của mình.

Tuy nhiên, các thành viên của EuroCham nhận thấy trên thực tế, để các tòa án Việt Nam công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam là rất khó khăn.

Theo báo cáo, những khó khăn chủ yếu gặp phải là nghĩa vụ chứng minh đảo ngược khi bác bỏ yêu cầu công nhận và cho phép thực thi phán quyết của trọng tài nước ngoài, cũng như việc từ chối yêu cầu từ phía tòa án Việt Nam với lý do không thống nhất với công ước NYC 1958.

Đồng tình với ý kiến này, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng nhận định rằng ở Việt Nam hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm, hiện tượng không công nhận và tòa án hủy các phán quyết trọng tài khá tùy tiện…Điều này cũng góp phần dẫn đến môi trường kinh doanh không lành mạnh.

Hoàng Long


Một Thế Giới