Muốn làm gì thì làm, phải tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng!

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:15, 02/12/2015

Đó là ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Minh Đức tại buổi công bố báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 2.12.

Kinh tế Việt Nam phục hồi tốt

Theo báo cáo, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu còn yếu trong nửa đầu năm nay do các nền kinh tế mới nổi tiếp tục chậm lại và các nước phát triển phục hồi kém hơn so với dự báo thì kinh tế Việt Nam đã đối phó khá tốt trước những biến động bất lợi của kinh tế bên ngoài và tăng trưởng GDP ước tính đạt 6,5%.

Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định kết quả đó do tăng cầu nội địa và ngành công nghiệp chế tạo định hướng đạt xuất khẩu tốt, nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, dẫn đến xuất khẩu ròng âm; tỷ lệ lạm phát thấp và niềm tin của người tiêu dùng được cải thiện đã thúc đẩy tiêu dùng cá nhân; đầu tư nước ngoài FDI cũng như chi phí đầu tư của Chính phủ gia tăng; tín dụng ngân hàng đã tăng trưởng trở lại…

Ngoài ra, áp lực tỷ giá đã dịu đi sau các lần phá giá tiền đồng và quản lý tỷ giá trở nên linh hoạt hơn. Tỷ giá ổn định nhưng đồng tiền Việt Nam vẫn lên giá khi so sánh với tiền tệ của các đối tác thương mại chính.

Báo cáo còn có thêm chuyên đề về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cho rằng hiệp định này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.

“Hiệp định TPP mới hoàn tất gần đây không chỉ cải thiện tiếp cận thị trường mà còn là một nhân tố quan trọng cho giai đoạn tiếp theo của cải cách cơ cấu kinh tế của Việt Nam”, ông Sandeep Mahajan - chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho hay.

Năng lực cạnh tranh thấp hơn mức trung bình của ASEAN-4

Dù đã có được một số triển vọng đáng kể nhưng kinh tế Việt Nam vẫn còn không ít thách thức.

Về môi trường kinh doanh, dù Việt Nam đã có nhiều cải thiện, tăng thêm 3 bậc trên bảng xếp hạng, giữ vị trí 90/189 quốc gia nhưng xếp hạng về tính cạnh tranh vẫn còn thấp so với mức trung bình của ASEAN-4. Mức điểm trung bình của ASEAN-4 là 67,2 trong khi Việt Nam chỉ đạt 62,1 điểm.

“Muốn làm gì thì làm mình cũng cần phải tạo được môi trường bình đẳng để cho doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển”, TS Phạm Mình Đức – chuyên gia kinh tế của WB cho hay.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực nhưng việc xử lý nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng còn nhiều thách thức. Củng cố tài khóa vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhằm kiểm soát rủi ro và tăng cường bền vững tài khóa.

Bên cạnh đó, tốc độ tái cơ cấu kinh tế trong nước chậm chập gây ra nhiều rủi ro đối với triển vọng kinh tế trung hạn. Việc trì hoãn thực hiện thắt chặt tài khóa cũng có thể sẽ tác động lên mức độ bền vững của nợ công.

Song song với đó, cùng với tăng trưởng tín dụng, các rủi ro trong ngành ngân hàng, kể cả nguy cơ tăng trưởng nóng cũng tăng theo và nếu không quản trị tốt sẽ dẫn đến một đợt bất ổn định mới.

Ngoài ra, với dự kiến tăng lãi suất của Mỹ sẽ làm cho chênh lệch tỷ suất trái phiếu chính phủ tăng theo, ảnh hưởng đến kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế để tài trợ cho các nhu cầu tài chính công của Việt Nam.

Báo cáo cũng đánh giá kinh tế Việt Nam có tín hiệu tích cực ở triển vọng trung hạn với tăng trưởng tiếp tục được duy trì, cán cân thương mại dự kiến sẽ thu hẹp đáng kể do xuất khẩu tăng chậm hơn nhập khẩu, lượng kiều hối ổn định sẽ giúp tài khoản vãng lai tiếp tục thặng dư, tuy ở mức thấp…

Hoàng Long


Một Thế Giới