Phân khúc cao cấp tại Việt Nam chiếm 44% thị trường bán lẻ

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 05:28, 28/11/2015

Ở Việt Nam, các phân khúc thị trường bán lẻ cao cấp đang “nổi lên” và hiện chiếm khoảng 44%.
Đó là thông tin trong báo cáo mới nhất của CBRE về thị trường bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo CBRE, thị trường bán lẻ cao cấp đang chững lại trong khi các xu hướng bán lẻ mới được hình thành, tạo ra nguồn cầu mới trong thị trường.
Trên thị trường, hiện có 3 xu hướng mới sẽ làm giảm được các ảnh hưởng tiêu cực đồng thời làm tăng nhu cầu mới cho thị trường bán lẻ.
Thứ nhất, các thương hiệu cao cấp vừa túi tiền đưa ra sản phẩm chất lượng cao có tên tuổi nhưng với mức giá thấp hơn hẳn so với các thương hiệu cao cấp đứng đầu khác. Có một vài thương hiệu cao cấp đã nổi tiếng từ khá lâu trong khu vực đang đối diện với nguy cơ bị nhàm chán, khiến cho các khách hàng bắt đầu cảm thấy muốn đi tìm các thương hiệu có sự khác biệt.
Thứ hai, xu hướng các thương hiệu thời trang cao cấp bắt đầu mở rộng lĩnh vực kinh doanh của mình bằng việc kết hợp với các ngành ăn uống. Đơn cử như nhà hàng 1921 của Gucci tại Thượng Hải, café Dior của Pierre Hermé trên tầng cao nhất của cửa hàng Dior ở Seoul. Những thương hiệu này đang mở rộng tên tuổi của họ ra khỏi lĩnh vực thời trang và hướng tới việc gắn liền hơn với phong cách sống. Với việc kết hợp khu vực đồ ăn và thức uống vào các cửa hàng, các nhà bán lẻ cao cấp mang tới cho khách hàng của họ nhiều trải nghiệm và tiện ích hơn, vừa mua sắm kết hợp thư giãn và gặp gỡ, tán gẫu cùng bạn bè.
Thứ ba, xu hướng thời trang trẻ em cao cấp kết hợp khu vực đồ chơi, nhà sách và khu vui chơi. Theo thống kê, đến hết năm 2014, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khoảng 807 triệu người trong độ tuổi 14, chiếm 20% trên tổng dân số. Điều này hứa hẹn một cơ hội lớn cho sự phát triển ở phân khúc thời trang trẻ em cao cấp. Do đó, sự xuất hiện của các thương hiệu cao cấp ở phân khúc này được chào đón từ phía các chủ cho thuê. Họ kỳ vọng các chủ cửa hàng bán lẻ sẽ mở rộng không gian cửa hàng cho khu vực đồ chơi, nhà sách và khu vui chơi để thu hút và giữ chân các khách hàng, đồng thời cạnh tranh với các thương hiệu bán lẻ trực tuyến.
"Phân khúc bán lẻ cao cấp chiếm một phần ba doanh số bán hàng trên toàn cầu trong năm 2014. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một khu vực quan trọng cho các thương hiệu cao cấp quốc tế với các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên, giai đoạn phát triển mạnh của các nhà bán lẻ cao cấp tại khu vực này đang dần đi đến hồi kết", Tiến sĩ Henry Chin, Trưởng phòng Nghiên cứu CBRE châu Á - Thái Bình Dương nói.
Trong khi đó, ông Joel Stephen, Giám đốc cấp cao, Trưởng bộ phận đại diện nhà bán lẻ của CBRE châu Á cũng cho biết, nhu cầu về thuê mặt bằng bán lẻ cũng tăng theo. Các nhà bán lẻ và chủ thuê sẽ có thể hưởng lợi từ sự phát triển của phân khúc này.
Theo CBRE, với đà phát triển chững lại của thị phần bán lẻ cao cấp trong khu vực đã khiến các nhà bán lẻ phải cân nhắc lại các yêu cầu về mặt bằng. Các nhà bán lẻ đề ra những yêu cầu mới và trong một số trường hợp, nhu cầu mặt bằng cũng dần giới hạn lại.
Phan Diệu

Một Thế Giới