Chè tồn nghìn tấn vì Đài Loan, Lâm Đồng 'cầu cứu' Hiệp hội
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 06:00, 31/10/2015
Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu chè tại Lâm Đồng bị tồn đọng hơn 2.000 tấn chè Ô long thành phẩm. Nông dân trồng chè hiện nay cũng gặp khó khăn khi các doanh nghiệp giảm công suất hoặc ngừng sản xuất.
Nguyên nhân được cho là do phía Trung Quốc và Đài Loan đã tăng cường mối giao ban thương mại, do đó, chè từ Trung Quốc đại lục bán sang Đài Loan rất nhiều làm giảm thị phần tại Đài Loan của chè Lâm Đồng.
Một nguyên nhân khác là rào cản kỹ thuật đặt ra với các hoạt chất trên chè. Từ cuối năm 2014, các doanh nghiệp Đài Loan đưa ra tiêu chuẩn về hoạt chất fibronil trên chè Ô long chỉ ở mức 0,002ppm. Tiêu chuẩn này cao gấp nhiều lần mức chung của thị trường châu Âu và các thị trường khác (0,005ppm).
Theo tỉnh Lâm Đồng, đây là mức được xem là bằng 0 mà trước đó không đặt ra tiêu chuẩn này. Nếu theo tiêu chuẩn 0,002ppm, chỉ cần những vườn trồng các loại cây khác từ ngoài vườn chè phun thuốc trừ sâu bay vào thì chè đến khi thu hoạch cũng bị vượt ngưỡng dư lượng chất fibronil.
Trong khi đó, Hiệp hội Chè Việt Nam chưa hề lên tiếng, giúp tháo gỡ cho ngành chè. Được biết, 2/28 doanh nghiệp chè ở Lâm Đồng đã phá sản. Bên cạnh đó, gần đây một số thông tin báo chí lại có những bái viết gây thêm bất lợi cho ngành chè trong nước từ thông tin do phía Đài Loan tung ra.
Do vậy, để cứu lấy ngành chè, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Hiệp hội Chè Việt Nam chủ động thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm chè.
Lâm Đồng hiện có vùng nguyên liệu chè lớn nhất nước với diện tích sản xuất ổn định trên 22 ngàn ha, sản lượng chè búp tươi năm 2014 đạt 230 ngàn tấn. Trong đó, diện tích chè chất lượng cao là gần 6.000 ha, phân bổ tại 11 huyện, thành phố trong tỉnh, tập trung chủ yếu ở huyện Bảo Lâm, TP Bảo Lộc và huyện Di Linh.
Hoàng Long