Doanh nghiệp nội, ngoại cạnh tranh 'miếng bánh' thị trường bán lẻ
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 00:11, 28/10/2015
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt các trung tâm thương mại nước ngoài, các cửa hàng tiện lợi, shop hàng nhập đã liên tục bành trướng, mở rộng quy mô để chiếm lĩnh “miếng bánh béo bở” là thị trường bán lẻ Việt Nam. Trước sức ép cạnh tranh này, doanh nghiệp nội cũng liên tục mở rộng thị phần và “phủ sóng” đến nhiều góc của thị trường.
Hàng ngoại tấn công
Trung tâm thương mại Aeon Mall Tân Phú Celadon và Aeon Bình Dương Canary đã đi vào hoạt động một thời gian. Đây được xem là nơi mua sắm nhiều hàng hóa và các dịch vụ vui chơi, giải trí theo phong cách Nhật.
Tại siêu thị này, có ít nhất 20% sản phẩm nhập khẩu trong siêu thị là hàng Nhật. Thu hút người tiêu dùng nội địa nhất là chuỗi các cửa hàng đồng giá Daiso và khu thức ăn chế biến sẵn của Nhật trong Aeon Mall.
Năm 2016, Aeon Long Biên (Hà Nội) và Aeon Bình Tân (TP.HCM) dự kiến cũng sẽ gia nhập thị trường. Song song với trung tâm thương mại Aeon, hệ thống siêu thị Aeon-Citimart ra đời cũng trở thành nơi mua sắm đa dạng các mặt hàng bán lẻ.
Không kém cạnh Aeon, hệ thống siêu thị Lotte Mart là trung tâm mua sắm đa dạng các mặt hàng nhập khẩu, nhất là các sản phẩm đến từ Hàn Quốc. Trong chiến lược xây dựng thương hiệu tại Việt Nam, lĩnh vực bán lẻ là mảng mà Lotte rất chú trọng đầu tư. Chỉ trong một thời gian ngắn, chuỗi bán lẻ này đang gia tăng quy mô nhanh chóng với hàng loạt các chi nhánh.
Mặc dù hàng Thái Lan chưa có siêu thị riêng nhưng việc thường xuyên tổ chức các hội chợ hàng tiêu dùng kéo dài gần cả tuần với hàng loạt gian hàng cũng đã đưa các sản phẩm của quốc gia này đến tay người tiêu dùng một cách dễ dàng. Đáng chú ý, các tỉ phú trên thị trường bán lẻ của Thái Lan đang dồn dập cho các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam. Nguy cơ Việt Nam thành một thị trường tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp Thái đang rõ từng ngày.
Đối với hàng Mỹ, dù chưa có hẳn siêu thị lớn như hàng Nhật, Hàn hay thường xuyên tổ chức hội chợ như hàng Thái nhưng trên các mạng online và một số cửa hàng nhỏ, người tiêu dùng vẫn có thể mua hàng ngàn mặt hàng.
Hàng nội “chạy đua” tăng thị phần
Dù hàng ngoại liên tục tấn công thị trường, thế nhưng trong cuộc đua giành ngôi vương ở thị trường bán lẻ Việt Nam, phong độ của doanh nghiệp Việt vẫn không sụt giảm.
Ngày 24.10 vừa qua, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh - Saigon Co.op, chính thức đưa vào hoạt động siêu thị Co.opmart Văn Thánh tại tòa nhà Pearl Plaza. Đây là Co.opmart thứ 31 tại TP.HCM và là thành viên thứ 78 của hệ thống siêu thị Co.opmart trên cả nước.
Hiện nay, Saigon Co.op đang vận hành hệ thống bán lẻ hàng đầu Việt Nam gồm 78 siêu thị Co.opmart , 94 Co.op Food, 2 Co.opXtra, Trung tâm thương mại Sense City Cần Thơ, Kênh mua sắm qua truyền hình HTV Co.op và liên doanh SC VivoCity tại Quận 7. Mục tiêu của doanh nghiệp này là duy trì tốc độ phát triển 6 đến 8 siêu thị Co.opmart và trung bình từ 15 đến 20 cửa hàng Co.op Food mỗi năm.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Võ Hoàng Anh – Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho rằng làn sóng các nhà bán lẻ nước ngoài đang đầu tư mạnh vào thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ mang đến cho người tiêu dùng trong nước nhiều lựa chọn hơn. Mặt khác, mang đến cho ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam những cơ hội mới để học hỏi và hoàn thiện.
Tuy nhiên, so với các nguồn vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài thì các đơn vị khối nội như Saigon Co.op có những thế mạnh riêng như mạng lưới rộng lớn có sẵn và các lợi thế am hiểu thị trường trong nước.
Để có thể cạnh tranh với các đại gia ngoại và nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập nhằm phục vụ tốt cho người tiêu dùng, Saigon Co.op cũng tối ưu hóa quy trình hoạt động, đồng thời chủ động liên kết hợp tác, tiếp tục đầu tư phát triển các mô hình kinh doanh và phát triển mạng lưới.
“Sự đa dạng hóa về mô hình bán lẻ sẽ tương ứng với phân khúc khách hàng khác nhau, giúp Saigon Co.op “phủ” đến nhiều góc của thị trường. Đa dạng hóa mô hình và đẩy mạnh phát triển mạng lưới là hai công tác chiến lược của Saigon Co.op nhằm phục vụ khách hàng theo chiều sâu bằng nhiều phương thức khác nhau”, ông Hoàng Anh nói.
Một doanh nghiệp khác cũng liên tục mở rộng mạng lưới trong thời gian qua là Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH Một Thành viên (SATRA).
Sau 3 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods đã đi vào hoạt động trong tháng 9.2015, SATRA tiếp tục khai trương thêm 2 cửa hàng Satrafoods trong tháng 10 này, nâng tổng số cửa hàng trong chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi lên 65 cửa hàng.
Sở hữu chợ đầu mối Bình Điền và gần 70 doanh nghiệp thành viên khác, trong đó có nhiều đơn vị chuyên sản xuất, chế biến thực phẩm với các thương hiệu uy tín như Vissan, Agrex Sài Gòn, APT, Cầu Tre… sau 4 năm đầu tư và phát triển hệ thống bán lẻ, hiện nay, các của hàng Satrafoods đã có mặt hầu hết các quận trong khu vực nội thành TP.HCM. Mục tiêu tiếp theo của doanh nghiệp nội này là “phủ sóng” các hàng Satrafoods đến hầu hết các quận ven, ngoại thành của TP.HCM.
Như vậy, việc các doanh nghiệp nội không đứng ngoài cuộc chơi khi liên tục đẩy mạnh quy mô hay việc liên kết, hợp tác cho thấy chiến lược kinh doanh phù hợp nhằm thu hút khách hàng và tăng thị phần hơn thời điểm này.
Phan Diệu
>> Chấn động vùng quê vì chủ hụi vỡ nợ gần 14 tỉ đồng
>> Phải làm gì khi Blogger Matt Kepnes nói sẽ không trở lại du lịch VN?
>> Danh hài Hồng Tơ từng mang 550 cây vàng đi đánh bạc, chui vào tủ quần áo trốn nợ
>> Bí ẩn viên ruby bảo vật nặng 2,1kg ở Yên Bái
>> Ông Kim Jong-un ra lệnh xây trại heo, nhằm có thịt nuôi quân
>> Clip tài xế taxi ở Hà Nội ốm đòn vì tông nhiều người rồi bỏ chạy