Tham gia TPP, Việt Nam sẽ gặp khó về nguyên liệu dệt may
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 14:00, 09/10/2015
Làm giàu cho nước ngoài
Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), chỉ tính riêng nửa đầu năm 2015, xuất khẩu dệt may sang thị trường các nước thành viên TPP đã chiếm gần 70% trong tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Trong khi đó, lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam luôn đạt giá trị lớn nhất trong 11 nước tham gia TPP còn lại.
Ngành dệt may được kỳ vọng sẽ tạo ra sự bứt phá khi Việt Nam gia nhập TPP, nhưng lại gặp khó về vấn đề nguyên liệu |
Theo lý giải của giới phân tích, tình trạng bỏ ngỏ các công đoạn đem lại giá trị gia tăng cao của các doanh nghiệp dệt may do chi phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài. Do vậy, các doanh nghiệp không mấy mặn mà với việc đầu tư sản xuất đến nơi đến chốn.
Chỉ một số doanh nghiệp trong nước đầu tư ở lĩnh vực dệt, nhuộm… nhưng không khác gì muối bỏ biển, chỉ cung cấp chưa đến 20% nhu cầu sản xuất. Thậm chí, dù sản xuất sợi đã ít nhưng Việt Nam lại xuất khẩu tới hơn một nửa lượng sợi sản xuất được ra nước ngoài thay vì phục vụ trong nước.
Không có nguyên liệu sản xuất tại chỗ, doanh nghiệp lựa chọn nhập khẩu từ Trung Quốc. Thậm chí nhập khẩu từ những mặt hàng hết sức giản đơn như khóa, khuy… Do đó, ngành dệt may Việt Nam hiện đang phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, có mặt hàng phụ thuộc tới 90% nguyên liệu.
Đâu là giải pháp?
Do đó, ông Lưu Bích Hồ cho hay, vấn đề cốt yếu là phải tự chủ được nguồn cung trong nước, phải tự sản xuất được ít nhất là sợi. Chúng ta hiện vẫn có thể nhập bông về để sản xuất sợi, nhưng nếu tự chủ được nguồn nguyên liệu này trong nước thì tốt nhất.
Tuy nhiên, ông Lưu Bích Hồ cũng cho hay, những điều khoản chi tiết của hiệp định còn chưa được công bố nên mọi việc cũng chưa thể nhận định chắc chắn được điều gì.
Một hướng đi khác nữa là Việt Nam sẽ nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia cùng tham gia TPP. Tuy nhiên, chi phí để nhập khẩu nguyên liệu từ những nước này khá lớn nên đây không phải là phương án tối ưu.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu chủ động được nguồn cung và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tập trung vào những sản phẩm nền tảng của dệt may, hạn chế nhập khẩu thì Việt Nam sẽ có được lợi ích cực lớn từ TPP. Bằng không, nếu cứ phụ thuộc vào nguyên liệu của Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp FDI Trung Quốc thì Việt Nam đang xuất khẩu hộ cho họ, không thu được nhiều lợi ích.
Hoàng Long