Thứ trưởng Công thương: Kinh tế VN vẫn chưa thể 'từ bỏ' được TQ!
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 08:00, 07/10/2015
"Nền kinh tế và các sản phẩm Việt Nam còn phụ thuộc nhiều nguyên liệu, công nghệ từ Trung Quốc. Do vậy trong ngắn hạn và trung hạn, Việt Nam chưa thể thay đổi ngay được mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa thị trường Việt Nam và thị trường Trung Quốc, trong đó phần nhập siêu sẽ nghiêng về phía chúng ta", Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập siêu ở mức 3,9 tỷ USD, bằng 3,2% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Trong đó, nhập siêu từ Trung Quốc đạt 24,3 tỷ USD, tăng mạnh 21,3% so với cùng kỳ năm 2014.
Cùng với đó, Tổng cục Thống kê cũng nhận định, tác động của việc điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc và Việt Nam chưa thể hiện rõ trong kết quả hoạt động xuất, nhập khẩu 9 tháng qua, nhưng trong quý IV có thể sẽ bị ảnh hưởng và nhập siêu từ Trung Quốc có khả năng tiếp tục tăng cao.
Phân tích rõ hơn về những số liệu này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) đã tạo ra những tác động nhất thời và trước mắt, trực tiếp là ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm của như dệt may, thủy sản… và ở một số thị trường như Mỹ, Châu Âu…
"Nhưng sự phản ứng linh hoạt trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ cũng như vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong hỗ trợ tháo gỡ cho DN thông qua điều chỉnh tỷ giá nội tệ đã giúp cho các DN trước mắt khắc phục khó khăn", Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.
Ông Tuấn Anh cũng cho biết, trước mắt và trong ngắn hạn thì những thay đổi về mặt tỉ giá của đồng Nhân dân tệ và USD đã không tác động nhiều đến cạnh tranh sản phẩm của Việt Nam.
"Tuy nhiên xét về lâu dài thì do nền kinh tế và các sản phẩm Việt Nam còn phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm của công nghiệp (CN) hỗ trợ như dệt may, da giày và một số ngành CN khác phụ thuộc vào nguồn cung cấp trang thiết bị, máy móc, công nghệ từ Trung Quốc.
Do vậy, trong ngắn hạn và trung hạn, Việt Nam chưa thể thay đổi ngay được mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa thị trường Việt Nam và thị trường Trung Quốc, trong đó phần nhập siêu sẽ nghiêng về phía chúng ta", Thứ trưởng Bộ Công thương nói.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh |
Từ đó, ông Trần Tuấn Anh nhận định, nếu Việt Nam chưa phát triển một cách lành mạnh CN hỗ trợ và đồng bộ cùng với đó là các ngành sản xuất và CN khác, đồng thời chưa nâng cao được trình độ công nghệ, hiệu quả về đầu tư đặc biệt liên quan đến năng suất lao động, thì Việt Nam sẽ còn phụ thuộc tương đối lớn vào thị trường Trung Quốc trong nhập khẩu các sản phẩm phục vụ cho ngành sản xuất, xuất khẩu và cả những mặt hàng sản xuất phục vụ thị trường nội địa cũng hàng tiêu dùng.
Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Công cho rằng, chiến lược đa dạng hóa thị trường cùng các chiến lược thị trường của Việt Nam đến năm 2020 càng có ý nghĩa khi xác định được nhiệm vụ, yêu cầu và cả những biện pháp, giải pháp đã làm trước đó và lâu dài.
"Trong đó, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách không chỉ trong thương mại mà trong cả đầu tư sản xuất, trong công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng,… mới có thể tính đến cải thiện thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc, tiến tới cân bằng cán cân thương mại này", Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Việc Việt Nam kí kết FTA với nhiều quốc gia chính là cơ hội để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Bởi, với mức độ toàn cầu hóa ngày càng nhanh và sâu rộng và trong những nội dung hội nhập mà Việt Nam đã và đang đàm phán đã đặt ra những yêu cầu rất cao thì lợi thế về nguồn nguyên liệu, sản phẩm CN phụ trợ từ thị trường truyền thống khá thuận lợi như Trung Quốc chắc cũng sẽ không tồn tại lâu dài.
"Những quy tắc xuất xứ trong FTA đã nêu ra rất chặt chẽ và có những đòi hỏi cao. Chính vì vậy, Việt Nam bắt buộc phải tính đến yếu tố chủ động hơn nữa sự đa dạng của thị trường thông qua tái cơ cấu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cùng hàng loạt các chính sách vĩ mô của Nhà nước.
Ở đây chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ chứng kiến có thể có những thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, thuận lợi hơn khi chúng ta thực thi các cam kết hội nhập. Đồng thời, cũng sẽ tăng cường năng lực sản xuất nội địa để giảm bớt phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu cũng như sản phẩm nhập khẩu đầu vào từ thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác", ông Trần Tuấn Anh cho biết.
Duyên Duyên