Lệch số liệu giữa DN và Bộ Tài chính: Chuyện bình thường!
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 06:00, 25/09/2015
Tổng thời gian giảm đến tháng 9/2015 là 420 giờ (từ 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm, tương đương giảm được 78% số giờ thực tế. Kết quả này vượt chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết 19 là đến hết năm 2015 mục tiêu là giảm còn 121,5 giờ/năm.
Tuy nhiên, theo đánh giá thực tế từ doanh nghiệp, thời gian trên thực tế không giảm được như tính toán theo những thay đổi chính sách của Bộ Tài chính. Doanh nghiệp chỉ ghi nhận giảm khoảng 20% (tương đương 110 giờ).
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Cúc – nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế lại cho rằng, Bộ Tài Chính, hải quan, bảo hiểm xã hội… là một trong những đơn vị có cải cách tích cực nhất.
Bà Cúc cho rằng, độ chênh giữa doanh nghiệp và Bộ Tài chính công bố là…bình thường. Bởi vì theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, họ chỉ đánh giá 2 sắc thuế là Thuế Giá trị gia tăng và thuế Thu nhập doanh nghiệp, các khoản nợ BHXH nên lên đến 872 giờ. Khi doanh nghiệp đánh giá thì họ tính trên rất nhiều thứ thuế, hóa đơn, chứng từ, hoàn thuế, cơ chế thanh tra, kiểm tra…nên xảy ra chệnh lệch.
Thu bảo hiểm bắt buộc quá cao
Ngoài cải cách thủ tục hành chính, bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng được rất nhiều người quan tâm. Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp cải cách, cắt giảm từ 115 thủ tục xuống còn 37 thủ tục, số tiêu thức giảm từ 50-81%… Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, thời gian nộp BHXH tuy giảm nhiều nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu xuống 49,5 giờ như yêu cầu của NQ.
Theo đánh giá của CIEM, mức thu bảo hiểm bắt buộc hiện nay quá cao (32,5%). Vướng mắc giải quyết thai sản theo quý. Thiếu cơ chế người lao động theo dõi, giám sát việc đóng BHXH. Một số thay đổi về biểu mẫu gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
Thừa nhận nỗ lực cải cách của cơ quan bảo hiểm xã hội nhưng bà Nguyễn Thị Cúc cũng đưa ra không ít phê phán những điểm chưa hợp lý. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, khi bà đi xuống các doanh nghiệp tìm hiểu, biết được 100% doanh nghiệp trốn bảo hiểm xã hội. Họ chỉ nộp BHXH tính trên mức lương tối thiểu.
Bà Cúc cho hay, các doanh nghiệp phản ứng rằng ngày xưa mức đóng bảo hiểm chỉ có 15% thì doanh nghiệp đóng đủ, giờ nâng thuế lên 32,5% thì doanh nghiệp không kham nổi. Biết rằng đóng thuế như thế an sinh xã hội, trong tương lai sẽ tốt hơn, nhưng hiện tại thì không đủ sống.
“Bây giờ người lao động muốn nuôi sống các con, chứ chờ tương lai xa quá nên họ cũng không nộp thuế luôn và doanh nghiệp thông đồng với người lao động trốn BHXH. Bây giờ đi kiểm tra thì 100% doanh nghiệp trong nước cần truy thu thuế” – bà Cúc cho hay.
“Một chính sách mà doanh nghiệp nước ngoài băn khoăn, 100% doanh nghiệp trong nước chống trả thì đưa ra làm gì? Đề nghị phải xem xét, điều tra lại một cách khách quan để đưa ra một chính sách có thể thực thi chứ không phải để mọi người nói dối” – bà Cúc nhấn mạnh.
Đại diện của BHXH cho rằng, mức thu bảo hiểm bắt buộc được quy định trong Luật, nếu thay đổi phải thay đổi từ Luật.
Song song với đó, CIEM cũng đưa ra kiến nghị các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong quản lý, kỹ thuật công nghệ… Kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kỹ thuật công nghệ. Ngành tòa án sớm ban hành hướng dẫn việc thực thi Luật Phá sản 2014.
Hoàng Long